Gỡ khó gói tín dụng đóng tàu vỏ thép - Bài 2: Sau đóng tàu, hết kinh phí đầu tư thiết bị

13:40' - 28/10/2018
BNEWS Đổ một nguồn vốn lớn để tạo ra con tàu lớn, đủ sức đương đầu sóng gió, đủ trang bị để bảo quản sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều những ngư dân Việt Nam luôn mong muốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số con tàu được đóng theo nguồn vốn vay từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) cần trang thiết bị và kỹ thuật để xứng tầm vươn khơi, đánh bắt dài ngày.

*Cần thêm trang bị

Nghị định 67 ban hành vào tháng 7/2014 với mục tiêu "thép hóa" đội tàu đánh bắt xa bờ của các địa phương, khai thác đúng mức và theo quy định cho phép các sản phẩm thủy sản trên biển. Đây là giải pháp để hỗ trợ ngư dân tăng cường khai thác vùng khơi, bảo vệ vùng lộng, đảm bảo nguồn lợi thủy sản gần bờ được phát triển bền vững.

Các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tích cực hưởng ứng và triển khai Nghị định 67 để "thép hóa" đội tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh minh họa: TTXVN

Chính vì vậy, các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực hưởng ứng và triển khai. Tại tỉnh Kiên Giang, tính đến tháng 8/2018, ngư dân toàn tỉnh đã được xét duyệt vay vốn đầu tư 59 tàu vỏ sắt; trong đó, đóng mới 38 tàu khai thác hải sản, 14 tàu dịch vụ hậu cần và sửa chữa 7 tàu, với tổng vốn hơn 577 tỷ đồng. Đã có trên 310 tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân. Trong 40 tàu hạ thủy thì có 38 tàu đang hoạt động khai thác.

Còn tại Cà Mau, hiện có 73/91 tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, 6/9 tàu đủ điều kiện nâng cấp sửa chữa. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng cho vay đóng mới 32 tàu với nguồn vốn hơn 352 tỷ đồng.

Tính đến nay đã giải ngân hơn 340 tỷ đồng. Riêng 2 tàu đủ điều kiện sửa chữa nâng cấp cũng được ngân hàng thương mại cho vay và giải ngân 4,4 tỷ đồng, đạt 100% giá trị hợp đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm gần 20 tỷ đồng cho hơn 1.900 tàu, hỗ trợ gần 25 tỷ đồng vận chuyển hàng hóa cho hơn 600 trường hợp.

Mặc dù vậy, đội tàu vỏ thép này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về kỹ thuật lắp đặt và trang thiết bị phục vụ hoạt động đánh bắt, khai thác xa bờ.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, kỹ thuật khai thác và các trang thiết bị trên tàu cá của tỉnh hiện nay chỉ mới cơ giới hóa, chưa tự động hóa.

Trang bị khai thác chưa chú trọng đến tính chọn lọc ngư cụ, thường sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định. Đặc biệt, hải sản sau khai thác chưa được ngư dân bảo quản đúng cách, dẫn đến sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tổn thất sau khai thác khá lớn. Theo thống kê, nguyên liệu hải sản sau khai thác hiện nay tổn thất lên đến 20%, thậm chí 30% đối với tàu lưới rê.

* Yêu cầu cấp thiết

Đầu tư trang thiết bị cho tàu cá công suất lớn là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Các thị trường khó tính tiêu thụ thủy sản Việt Nam đặt ra tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái biển. Người tiêu dùng trong nước cũng cần sự minh bạch nguồn cung sản phẩm vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các tàu vỏ sắt cũng cần trang bị những thiết bị công nghệ để phục vụ cho khai thác, đánh bắt.

Trước yêu cầu của các thị trường khó tính, ngư dân phải tự đầu tư thêm cho các thiết bị công nghệ, những đầu tư này chỉ mới phát sinh trong vòng 1 năm nay, nên không nằm trong nguồn vốn hỗ trợ. Để tàu vỏ thép đóng mới bằng nguồn vay hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao giá trị thủy sản khai thác, ngư dân cũng cần được đào tạo về vận dụng các thiết bị công nghệ mới hiện nay.

Bên cạnh đó, cán bộ chính quyền địa phương, cảng cá thực hiện kiểm tra các thiết bị công nghệ cũng cần được đào tạo chuyên sâu. Có như vậy, thủ tục, hồ sơ thống kê, khai báo khối lượng hải sản khai thác khi tàu cập cảng mới được thực hiện nhanh chóng, đáp ứng kịp thời cho các khách hàng.

Sau đóng tàu, kinh phí đầu tư cho các trang thiết bị và công nghệ quá lớn, nhiều ngư dân không có khả năng để đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood), nguồn lực kinh phí của ngư dân không lớn.

Vì vậy, sau khi hoàn thiện con tàu vỏ sắt, họ sẽ không thể ngay lập tức đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất. Để có thể đầu tư hệ thống định vị, giám sát, theo dõi và thông báo vị trí tàu, cũng như xác định luồng cá trên ngư trường, những ngư dân này cũng phải tự huy động vốn của mình trong thời gian dài mới làm được.

Cũng bởi kinh phí đầu tư cho các trang thiết bị và công nghệ quá lớn, nhiều ngư dân không có khả năng để đầu tư. Dù họ hiểu rằng, với con tàu trang bị hiện đại, sẽ giúp họ thuận lợi hơn khi tìm kiếm nguồn cá, dễ dàng tiêu thụ sản phẩm.

Nhưng sự phức tạp của công nghệ khiến các ngư dân chỉ biết “quăng lưới và bán cá” nản lòng. Vì vậy, song song với nguồn vốn hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, cũng cần thêm nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đầu tư thiết bị hiện đại, đồng thời có sự hỗ trợ về kinh phí đào tạo nhân lực để sử dụng những thiết bị này.

Đội tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ là phương tiện chủ lực cung cấp nguồn nguyên liệu thủy hải sản cho chế biến, xuất khẩu hiện nay. Khi đội tàu này hoạt động hiệu quả, cũng đóng góp ý nghĩa tích cực cho phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, Việt Nam đã triển khai lắp đặt được 3.000 thiết bị Movimar cho đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tiếp tục hỗ trợ lắp đặt thiết bị này, hướng dẫn chi tiết người dân, bổ sung các tính năng như dự báo ngư trường, thông tin gắn với lợi ích của ngư dân để người dân được hưởng lợi và yên tâm ủng hộ./.

Bài cuối: Để các con tàu vươn khơi

Xem thêm:

>>Gỡ khó gói tín dụng đóng tàu vỏ thép - Bài 1: Tàu vỏ thép đóng mới vừa hoạt động đã hỏng

>>Tìm biện pháp “gỡ khó” khi thực hiện chính sách tín dụng cho tàu 67

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục