Gỡ từng nút thắt, quyết thông tuyến cao tốc qua Cao Bằng, Lạng Sơn năm 2025

10:39' - 12/04/2025
BNEWS Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư có tổng chiều dài tuyến hơn 121 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Chính quyền, các sở, ngành tỉnh Lạng Sơn, doanh nghiệp dự án đang tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng tốc thi công dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, phấn đấu thông tuyến dự án này trong năm nay, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

* Mặt bằng cản tiến độ

Tập đoàn Đèo Cả - đại diện nhà đầu tư cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư có tổng chiều dài tuyến hơn 121 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 23.000 tỷ đồng, do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 làm chủ đầu tư.

Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư hơn 93 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Tổng vốn đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026. Đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đi qua huyện Văn Lãng và Tràng Định dài 51,8 km. Diện tích đất phải thu hồi của dự án trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trên 355 ha, tỉnh Lạng Sơn hơn 450 ha.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án này, cả hệ thống chính trị của tỉnh Lạng Sơn đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho dự án; đồng thời phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan di dời hạ tầng kỹ thuật trong vùng dự án. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, đoạn qua địa bàn Lạng Sơn mới bàn giao được hơn 87,5% diện tích; trong đó, huyện Văn Lãng giải phóng mặt bằng, bàn giao được hơn 181ha/205,7ha, chiếm hơn 88%, còn huyện Tràng Định bàn giao được 215,77ha/247,91ha, đạt trên 87%.

Theo đại diện nhà đầu tư, tuy tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng, bàn giao đạt hơn 87% song mặt bằng bàn giao còn xôi đỗ. Trên tuyến còn vướng 32 hộ chưa di dời nhà (huyện Tràng Định 12 nhà, huyện Văn Lãng 20 nhà). Đặc biệt là công tác di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm, dù đã cơ bản hoàn thành công tác đào hố móng, dựng cột đối với các vị trí đường dây 35kV và 0,4kV nhưng các vị trí cột cũ chưa được di dời ra khỏi phạm vi dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các hạng mục dự án.

Từ thực tế trên, đại diện Tập đoàn Đèo Cả đề nghị, UBND các huyện Văn Lãng, Tràng Định tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, bàn giao phần mặt bằng còn lại cho doanh nghiệp dự án. UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận bổ sung 9 vị trí đổ thải theo đề xuất của doanh nghiệp dự án; chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm soát giá vật liệu xây dựng, thông báo giá, chỉ số giá của địa phương kịp thời cập nhật phản ánh đúng với giá thị trường...

Để đảm bảo tiến độ dự án, đối với những khu vực đã có mặt bằng sạch, doanh nghiệp dự án đã bố trí hơn 2.000 cán bộ, công nhân lao động, gần 1.000 máy móc, thiết bị, triển khai hơn 70 mũi thi công trên toàn dự án. Sản lượng đạt hơn 2.300 tỷ đồng...

 
* Quyết tâm thông tuyến

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có ý nghĩa lớn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng; kết nối vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội và các cực kinh tế của cả nước. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 -7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ; tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển du lịch…

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khẳng định quyết tâm thông tuyến cao tốc này trong năm nay. Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thường xuyên làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan, doanh nghiệp dự án, kiểm tra thực tế, tìm biện pháp tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, đốc thúc tiến độ các hạng mục dự án.

Lãnh đạo tỉnh giao trách nhiệm cho lãnh đạo các huyện có dự án đi qua chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo tiến độ các hạng mục theo các mốc thời gian thực hiện dự án; chủ động, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời nhà ở, nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án. Đặc biệt, lãnh đạo hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng thường gặp gỡ, trao đổi những vấn đề phát sinh liên quan để cùng thống nhất phương án giải quyết, kiểm tra quá trình thi công, tiến độ của dự án này.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh, mục tiêu thông tuyến dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong năm nay đã được Thủ tướng chỉ đạo, vì thế địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dự án phải tăng tốc thi công dự án mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

Hiện nay, trên địa bàn hai huyện Văn Lãng, Tràng Định vẫn còn hơn 30 hộ chưa di dời nhà, bàn giao mặt bằng cho dự án. Do đó, hai địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ dân còn lại sớm bàn giao mặt bằng. Các nhà thầu thi công di dời hạ tầng kỹ thuật tăng cường máy móc nhân lực di chuyển công trình, hạ tầng kỹ thuật trên tuyến ra khỏi vị trí công trình dự án trước ngày 15/4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu, các huyện Văn Lãng, Tràng Định rà soát bổ sung qui hoạch bãi đổ thải đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư dự án; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ phê duyệt điều chỉnh tiểu dự án làm cơ sở UBND tỉnh Cao Bằng chuyển bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp tranh thủ thời tiết thuận lợi, trời ít mưa đẩy nhanh tiến độ dự án…

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho hay, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thi công trong điều kiện hết sức khó khăn. Nhiều khu vực, đoạn, địa hình rất hiểm trở, gập ghềnh, gấp khúc, gây khó khăn trong tiếp cận mặt bằng thi công, dẫn đến việc vận chuyển vật tư, thiết bị hết sức nguy hiểm... Tập đoàn đã chỉ đạo mở các tuyến đường công vụ để tiếp cận hạng mục công trình; mở thêm nhiều mũi thi công, huy động các máy móc thiết bị đặc chủng công suất lớn để đảm bảo tiến độ.

Tập đoàn Đèo Cả cùng các nhà thầu đưa ra nhiều giải pháp, khắc phục khó khăn, triển khai đồng thời nhiều mũi thi công, làm "3 ca, 4 kíp", làm cả ngày nghỉ, ngày lễ để đảm bảo tiến độ, phấn đấu thông tuyến trước ngày 31/12/2025.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục