Góp ý xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

16:48' - 23/03/2018
BNEWS Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP sẽ tập trung vào một số nhóm chính sách lớn như: nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP...
Góp ý xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Tại hội thảo “Góp ý đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 23/3, tại Hà Nội, hầu hết các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo đều có chung nhận định, việc xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là cần thiết, song phải “thiết kế” sao để có một dự thảo luật mang tính bao trùm chứ không phải là hoàn thiện lại một số văn bản như Nghị định 15/2015 và Nghị định 30/2015 đã có trước đây. Điều cơ bản là Luật Đầu tư theo hình thức PPP cần được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng bình đẳng giữa các bên đối tác gồm Nhà nước, nhà đầu tư và bên thụ hưởng.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP sẽ tập trung vào một số nhóm chính sách lớn như: nâng cao hiệu quả đầu tư dự án PPP; trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với dự án PPP; công khai minh bạch thông tin; trình tự và thủ tục đầu tư; các biện pháp thu hút đầu tư và tính pháp lý của hợp đồng PPP.

Đây là những nhóm vấn đề cần được giải quyết để khắc phục những bất cập như các dự án PPP được quản lý theo đầu ra thay vì quản lý đầu vào, trong khi Luật Xây dựng và các văn bản liên quan chưa có quy định cụ thể về xác định chỉ số đầu ra của dự án hay tiêu chí cụ thể để giám sát, quản lý hợp đồng dự án.

Hay như việc, có nhiều cơ quan được phân cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án PPP mặc dù trách nhiệm, chế tài và cơ chế phối hợp chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, tính công khai và minh bạch trong đầu tư theo PPP, hiện nay, cũng chưa được chú trọng. Kèm theo đó là tâm lý “ngại” triển khai theo PPP do quy trình, thủ tục phải qua nhiều bước dẫn tới thời gian kéo dài nên nhiều cơ quan muốn có dự án, có nhà đầu tư triển khai ngay nhưng không quan tâm đến chất lượng dự án…

Bà Vũ Quỳnh Lê cũng cho biết thêm, so với một số quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đang được áp dụng hiện nay, dự thảo Luật Đầu tư PPP được soạn thảo với một số điểm mới như: trình tự thực hiện dự án công nghệ cao; bổ sung nguồn vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP.

Đồng thời, bổ sung quy trình quyết định chủ trương đầu tư; bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quy trình thực hiện dự án BT. Việc thực hiện dự án PPP của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội – nghề nghiệp...

Góp ý xây dựng dự thảo Luật Đầu tư PPP, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho rằng, kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một cơ chế nhằm mục đích chia sẻ rủi ro là chủ yếu. Do đó, cần rất nhiều quy định chi tiết, rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của các bên có liên quan; trong đó, bao gồm, Nhà nước, nhà đầu tư và bên thụ hưởng. Cơ chế giám sát cũng là một vấn đề hết sức đáng lưu tâm trong những dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức này. Ngoài ra, cần một tổ chức, một cơ quan độc lập, khách quan và không chịu phụ thuộc các bộ, ngành để giám sát việc triển khai thực hiện dự án; có chức năng hỗ trợ các nhà đầu tư và là đơn vị đầu mối thu thập, cung cấp thông tin đa chiều…

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) góp ý rằng, mặc dù là quan hệ đối tác giữa Nhà nước và tư nhân, song cần coi đây là một mối quan hệ dân sự. Điều này sẽ mang lại cảm giác yên tâm và an toàn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, cánh cửa mở ra để khu vực tư nhân tiếp cận tới các dự án PPP cũng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, cần có những quy định chi tiết cho từng dạng thức hợp tác đối tác giữa khu vực tư nhân và khu vực công (cơ quan Nhà nước), có phân loại rủi ro rõ ràng. Bởi hơn ai hết, tư nhân rất kỳ vọng vào sự bình đẳng cả trong việc đóng góp tài chính, lẫn quyền và nghĩa vụ khi xảy ra rủi ro.

Luật sư Nguyễn Hữu Quang, Văn phòng Luật NH Quang góp ý, cần có sự tham vấn ý kiến của cộng đồng đối với các dự án PPP và nên đưa vào dự thảo Luật Đầu tư PPP như một phần yêu cầu của các bên đối tác phải thực hiện khi tham gia dự án. Bởi nhiều trường hợp, dự án có tác động trực tiếp tới những người thụ hưởng và họ chính là người nói lên tiếng nói thực tiễn nhất về hiệu quả sử dụng, hiệu quả đầu tư của từng dự án.

Đại diện một đơn vị tư vấn, ông Duy Hưng, Công ty tư vấn Monitor Consulting (chuyên tư vấn các hợp đồng BOT) bày tỏ quan điểm về việc đơn vị xây dựng dự thảo Luật Đầu tư PPP cần phải hoàn thiện nhiều nội dung hơn nữa thay vì chỉ đưa ra các quy định để khắc phục những vướng mắc của các nghị định về đầu tư đối tác công tư hiện hành. Vì cũng đã có nhiều dự án khó thu hồi vốn cho nhà đầu tư từng gây tranh cãi trong dư luận và sự thất vọng của khu vực tư nhân.

Vì thế, để tránh trường hợp tương tự xảy ra, ông Hưng cho rằng, Chính phủ cần tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, các nghiệp đoàn và doanh nghiệp trước khi tiến hành những dự án đầu tư công quy mô lớn. Điều này là cần thiết, giúp cho các nhà đầu tư tin tưởng vào tính khả thi của dự án, cũng như tính minh bạch, sòng phẳng của thể chế pháp luật trong lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục