Grab thâu tóm Uber (Bài 1): Một mình một ngựa

05:30' - 08/05/2018
BNEWS Việc Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á đang là tâm điểm chú ý của thị trường vận tải công nghệ những ngày qua.

No Title

Grab thâu tóm Uber: Bài toán về thế kinh doanh độc quyền. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi dư luận vẫn hoang mang với những câu hỏi về việc làm thế nào để đảm bảo lợi ích cho khách hàng và tài xế, cũng như những vấn đề pháp lý liên quan, thì giới chức các nước lại “đau đầu” với bài toán về thế kinh doanh độc quyền của Grab sau khi đối thủ đáng gờm nhất là Uber đã “ngã ngựa”. 

Đây cũng là lý do mà thương vụ sáp nhập này đang vấp phải nhiều khó khăn tại một số quốc gia.

Mới đây nhất, cơ quan chức năng Singapore đã yêu cầu Grab phải để Uber tiếp tục vận hành tới 7/5, thay vì 15/4 như đề nghị trước đó. Đây là lần thứ hai Singapore yêu cầu Grab lùi lịch "xóa sổ" Uber, sau yêu cầu lùi một tuần để Cục cạnh tranh và tiêu dùng Singapore (CCCS) tiến hành điều tra thương vụ, được đưa ra vào ngày 8/4.

Thế độc quyền trong kinh doanh không phải là điều mong muốn, đặc biệt là ở lĩnh vực vận tải khi khách hàng không có nhiều sự lựa chọn, còn các lái xe đối tác buộc phải chấp nhận quy định khắt khe hơn. 

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2016, chỉ vài tuần sau khi giới quan sát bất ngờ với tuyên bố mua lại toàn bộ mảng hoạt động của Uber tại Trung Quốc, “gã khổng lồ” taxi công nghệ Didi Chuxing đã đột ngột nâng giá dịch vụ thêm 20% tại Bắc Kinh và một vài thành phố lớn khác, đồng thời cắt giảm trợ cấp cho lái xe mà trong đó trợ cấp cuối tuần bị xóa bỏ hoàn toàn.

Vụ sáp nhập trị giá 35 tỷ USD đó đã đưa Didi Chuxing trở thành đối thủ lớn nhất, chiếm đến gần 90% thị phần vận tải công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia ở nhiều nước Đông Nam Á đang quan ngại. Tương tự như Didi Chuxing, sau khi thâu tóm Uber, Grab sẽ trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe lớn nhất Đông Nam Á và tiếp quản hơn 500 nhân viên đầy kinh nghiệm trải khắp khu vực cùng đội tài xế đối tác dồi dào của Uber.

Mặc dù đại diện của Grab đã cam kết sẽ không tăng phí và tiền hoa hồng trong thời gian từ ngắn hạn đến trung hạn, song các chuyên gia cho rằng trong tương lai chắc chắn “đại gia” này vẫn sẽ đưa ra những hành động phi cạnh tranh để bù lấp các khoản lỗ và đầu tư mà trước đây đã sử dụng nhằm giành lấy thị phần.  

Grab lập luận rằng tính cạnh tranh trên thị trường vận tải vẫn chưa mất đi bởi các khách hàng vẫn còn đó những lựa chọn di chuyển khác như taxi truyền thống và phương tiện công cộng. Tuy nhiên, Giáo sư Lawrence Loh thuộc trường đại học quốc gia Singapore (NUS) lại cho rằng những hình thức vận tải kể trên chưa phải là sự thay thế hoàn hảo cho Grab bởi tính chất và hiệu quả sử dụng khác nhau.

Trong khi mạng lưới tàu điện ngầm MRT và xe buýt mang lại trải nghiệm khác biệt về sự tiện lợi, tính khả dụng cũng như khả năng tiếp cận thì các nhà khai thác taxi truyền thống vẫn chưa đủ mạnh trong không gian kỹ thuật số để cạnh tranh với những đối thủ lớn như Grab.

Sau khi Didi Chuxing thâu tóm hoạt động của Uber tại Trung Quốc, một vài công ty nhỏ, trong đó có Meituan Dianping, đã cố gắng chớp lấy thời cơ để tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này. Bắt đầu xuất hiện trên bản đồ tại thành phố Nam Kinh vào năm ngoái, Meituan đã triển khai 7 dự án thí điểm trong năm nay tại các thành phố ở Bắc Kinh và Thượng Hải…  

Tuy nhiên, Giáo sư Yang Nan thuộc NUS nhận định thị trường rộng lớn như Trung Quốc đã phải chờ đợi hơn một năm để chứng kiến đối thủ tầm cỡ như Meituan tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ và hiện vẫn còn quá sớm để biết rằng liệu công ty này có thành công trong việc cân bằng lại thị trường hay không.  

Tương tự tại Singapore, lần lượt những tên tuổi mới như Ryde hay Go-Jek của Indonesia cũng đang lên kế hoạch lấn sân sang thị trường gọi xe công nghệ của “đảo quốc sư tử”, song điều này chưa bao giờ là dễ dàng.

Bên cạnh những rào cản về công nghệ, các đối thủ mới của Grab sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút lái xe đối tác, những người có thể đang bị trói buộc bởi những hợp đồng khắt khe kéo dài với công ty cũ. Ngoài ra, mặc dù sự gắn bó của khách hàng là không cao trên thị trường vận tải công nghệ, song Grab vẫn có lợi thế về tên tuổi, thói quen cũng như sự tin cậy của người dùng trong thời gian qua./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục