Grab thâu tóm Uber (Bài 2): Cạnh tranh là chìa khóa

06:30' - 08/05/2018
BNEWS Giới chức Singapore thông báo sẽ điều tra về thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh giữa Grab và Uber với lý do lo ngại thỏa thuận có thể tạo thế độc quyền cho Grab

Grab thâu tóm Uber: Bài toán về thế kinh doanh độc quyền. Ảnh: Kyodo/TTXVN 

Ngay sau khi thương vụ mua bán giữa Uber và Grab được công bố, giới chức Singapore thông báo sẽ điều tra về thỏa thuận chuyển nhượng kinh doanh này với lý do lo ngại thỏa thuận có thể tạo thế độc quyền cho Grab, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng và giới tài xế. Động thái này của phía "đảo quốc sư tử" đã nhận được sự hưởng ứng của một số quốc gia Đông Nam Á khác như MalaysiaPhilippines.

Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành họp bàn với Grab xoay quanh câu chuyện về thị phần của hãng. Luật Cạnh tranh quy định trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện. 

Trong thương vụ của Grab, “đại gia” này cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Vì thế nên Grab không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các bên liên quan vẫn chưa đưa ra được căn cứ rõ ràng để chứng minh rằng sau khi sáp nhập thị phần của Grab chỉ ở mức thấp hơn 30%. 

Có thể nói, các chính phủ đã phản ứng kịp thời ngay khi nhận thấy mối nguy về kinh doanh độc quyền. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những giải pháp mang tính tức thời. Về dài hạn, chính phủ các nước vẫn cần đưa ra những phương thức quản lý hiệu quả để dẫn dắt và điều chỉnh thị trường, mà trong đó tăng cường tính cạnh tranh và minh bạch là chìa khóa quan trọng.

Với những nghi vấn xung quanh việc Grab có thể sẽ “lộng hành” trong thời gian tới, nhiều người cho rằng chính phủ nên ấn định một mức giá cố định dành cho loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì điều đó là không cần thiết mà sẽ hợp lý hơn nếu các chính phủ thiết lập một bộ khung quy tắc để tính giá dịch vụ và quan trọng hơn cả là đưa ra các điều kiện nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh mở.

Tiến sĩ kinh tế Theseira của trường đại học khoa học xã hội Singapore (SUSS) lấy ví dụ về ngành taxi của nước này, nơi chính phủ chỉ ban hành quy định về cấu trúc hình thành giá cước, đó là được tính bằng quãng đường di chuyển và được niêm yết công khai, và cho phép các nhà khai thác tự đặt ra mức giá của riêng mình.

Liên quan đến đề xuất áp đặt mức trần đối với phụ thu giờ cao điểm, TS Theseira chỉ ra nhược điểm rằng đề xuất này có thể khiến những người bận rộn trước đây sẵn sàng trả thêm tiền để có xe ngay lập tức phải cân nhắc, đồng thời cũng khiến lái xe nhụt chí khi tham gia giao thông vào giờ cao điểm. Để thay thế, ông khuyến khích Grab minh bạch hơn về cách tính toán các khoản phụ thu khi nhu cầu gia tăng đột biến để người dùng đưa ra những quyết định sáng suốt  nhất.

TS Theseira cho rằng chính phủ có thể can thiệp vào việc xây dựng các điều khoản và điều kiện hợp đồng giữa khách hàng, lái xe đối với công ty cung cấp dịch vụ vận tải. Một vài tiêu chí ví dụ như điều kiện để lái xe hoạt động hay cách thức chấm dứt hợp đồng với lái xe nên được quản lý bởi các cơ quan chức năng, tránh tình trạng một công ty có quyền lực trên thị trường có thể đưa ra những quyết định tùy tiện ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Bên cạnh đó, quyền quyết định các vấn đề như tiêu chuẩn tối thiểu về dịch vụ lái xe cũng nên thuộc về các cơ quan quản lý chứ không phải là công ty khai thác dịch vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục