Hà Giang di dời người dân ra khỏi vùng bị ngập sâu, sạt lở đất

19:21' - 21/07/2020
BNEWS Trước tình hình mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh yêu cầu các ngành chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.

UBND các huyện, thành phố được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở đất, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, triển khai ngay các lực lượng cứu hộ, di dời người dân ra khỏi vùng bị ngập sâu, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, cảnh báo người dân hạn chế di chuyển để giảm thiểu thiệt hại về người do ngập lụt, di dời tạm thời tài sản đến nơi khô ráo, an toàn.

Hiện Sở Công Thương Hà Giang đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy trình vận hành đón, xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn, đặc biệt là trên hệ thống sông Miện và sông Lô.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và bố trí nhiều phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Giang và một số địa phương triển khai các biện pháp khắc phục mưa lũ như khơi thông dòng chảy, rửa dọn nhà, đường phố, khu vực dân cư để đảm bảo khả năng thoát lũ đồng thời bố trí lực lượng gác trực và phương tiện xuồng, mảng tại nơi ngập úng để hỗ trợ người dân đi lại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang cũng thành lập một tổ công tác với những người có kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn để phối hợp với các địa phương xác định rõ mức độ thiệt hại, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống.

Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Hà Giang, mưa lớn kéo dài nhiều giờ suốt từ đêm 20/7 đến trưa 21/7 đã gây ra lũ quét, sạt lở đất khiến 5 người chết, 2 người bị thương, 2 nhà máy thủy điện trên địa bàn bị đất đá vùi lấp phải dừng hoạt động, thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu.

Mưa lớn kèm theo lũ quét cũng khiến hàng trăm ngôi nhà ở thành phố Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì và huyện Vị Xuyên bị ngập úng, nhiều ngôi nhà bị sập, lũ cuốn trôi.

Do lượng nước từ trên núi đổ xuống, từ các sông, suối tràn vào ban đêm và rạng sáng nên nhiều gia đình không kịp di chuyển đồ đạc. Nhiều ngôi nhà nước ngập cao trên 1 mét, có những nhà chìm sâu trong nước khiến tài sản có giá trị của nhiều gia đình hư hỏng nặng.

Mưa lớn kèm theo lũ quét cũng làm hàng trăm ha diện tích lúa mới cấy và hoa màu bị ngập úng ở xã Tả Sử Choóng (huyện Hoàng Su Phì), huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang và ở thành phố Hà Giang. Đặc biệt, mưa lớn, nước dâng cao nên nhiều gia đình nuôi gia súc không di chuyển kịp đã khiến hàng chục con trâu bị nước cuốn trôi.

Mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ cũng gây ra rất nhiều điểm sạt lở ở các tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 2 từ thành phố Hà Giang đi Tuyên Quang, Hà Nội; Quốc lộ 4C từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc và một số điểm khác trên Quốc lộ 34 từ thành phố Hà Giang đi huyện Bắc Mê.

Đặc biệt, trên tuyến Quốc lộ 2 giao thông bị tê liệt hoàn toàn suốt từ đêm 20/7 đến chiều 21/7, nếu thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công sẽ san gạt, xúc hàng nghìn m3 đất đá để thông xe trong đêm nay.

Cũng theo thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, mưa lớn kèm theo lũ quét làm Nhà máy Thủy điện Thuận Hòa (thuộc huyện Vị Xuyên) và Nhà máy Thủy điện Thái An bị đất đá vùi lấp, phải dừng hoạt động.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang, mưa kéo dài, mực nước tại các sông, suối đã lên cao và lượng nước trong đất đá đã bão hòa, chính vì vậy nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng là rất lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục