Hạ lãi suất: Phao "cứu sinh" liệu doanh nghiệp có "hồi sinh"?

11:21' - 06/04/2023
BNEWS Chỉ cách đây vài tháng biểu lãi suất cho vay tại các ngân hàng vẫn ở mức mà hầu hết các doanh nghiệp đều nhìn vào và "ngó lơ" dù đang khát vốn.

Lãi suất quá cao và việc tiếp cận cũng không mấy dễ dàng chính là rào cản các doanh nghiệp.

Thực tế sau 2 năm đại dịch, công ty Bất động sản Phú Hưng cũng như bao doanh nghiệp khác phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí, nhân sự, gồng mình co kéo để tồn tại. "Bản thân doanh nghiệp rất cần vốn khi dịch bệnh qua đi nhưng lãi suất cao và rất khó tiếp cận khiến doanh nghiệp muốn phục hồi cũng không dễ dàng" bà Nguyễn Thùy Dung, Chủ tịch Công ty BĐS Phú Hưng chia sẻ.

 

Cùng quan điểm với bà Dung khi nói về việc tiếp cận vốn khó khăn, ông Trịnh Văn Hảo, Trưởng ban Mamcom Công ty CP Everimmo tâm sự, chúng tôi cũng đã cố gắng duy trì hoạt động doanh nghiệp trong suốt thời gian khó khăn đã qua, tuy nhiên khi cần vốn để đáp ứng những đơn hàng mới thì ngoài lãi suất cho vay cao thì những doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi rất khó để có đủ tiêu chuẩn tiếp cận các nguồn vốn.

Thực tế đây chỉ là những lát cắt nhỏ trong vô vàn những vướng mắc của câu chuyện tín dụng và doanh nghiệp. 

Nhìn rộng hơn, các chuyên gia quan tâm tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Việc lạm phát chậm lại, thanh khoản hệ thống dư thừa là điều kiện tốt để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 cho thấy khả năng hấp thụ vốn là yếu. Do đó việc mở rộng tăng trưởng dựa trên mở rộng tín dụng đang gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng nhận định, cần theo dõi xem liệu việc thay đổi nhanh chính sách lãi suất có thúc đẩy dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế. Thanh khoản ngân hàng đang khá dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng quý 1 lại khá thấp do "tiền không chạy" hay tiền đang "nằm im" trong hệ thống.

Phát biểu kết luận tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, Thủ tướng  Phạm Minh Chính chỉ rõ các vấn đề như tình hình tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn cùng với bất ổn bên ngoài tác động lớn đến nước ta. Tại các cuộc họp này Thủ tướng liên tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong vòng chưa đầy một tháng đã 2 lần giảm các mức lãi suất điều hành. Sau quyết định này của Ngân hàng Nhà nước, đồng loạt các ngân hàng đã giảm lãi huy động là cơ hội để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Sau lần điều chỉnh mới nhất, lãi suất phổ biến từ 5,8-8,9%/năm, cho các khoản tiền gửi từ 6-12 tháng. Lãi cao nhất trên 9%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên.

Có thể nhận thấy, trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động khó lường, những tác động từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặc biệt, mặt bằng lãi suất thế giới được dự báo có thể còn tăng trong thời gian tới thì việc giảm lãi suất là động thái điều hành chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.

Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc giảm một số loại lãi suất điều hành tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục giảm lãi suất huy động. Đây cũng là cơ sở để các NHTM hạ lãi suất cho vay. Từ đó, hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nhiều đang gặp khó khăn về tài chính.

Không chỉ tác động giảm lãi suất, việc giảm lãi suất rõ ràng sẽ có tác động tích cực về tâm lý, vừa là để kích cầu tín dụng, vừa là để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn.

Một điểm đang chú ý mà các chuyên gia đều nhận định là dư địa hạ lãi suất cho vay vẫn còn trong bối cảnh áp lực về lạm phát, tỷ giá, lãi suất ở trên thế giới đã và đang giảm nhiệt. Bên cạnh đó, khi kinh tế thế giới khó khăn, một số ngân hàng Trung ương các nước cũng đã và đang điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng không còn tăng lãi suất nữa, thậm chí phải tính toán đến việc giảm lãi suất từ đầu năm tới để hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng dù lãi suất đã giảm đáng kể nhưng để ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay thì cũng cần 1 khoảng thời gian để mặt bằng lãi suất huy động thấm dần vào vào nền kinh tế, tiến tới giảm dần lãi suất cho vay cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Câu chuyện vĩ mô là lãi suất đã giảm thế nhưng thực tế việc tiếp cận nguồn vốn cũng là bài toán không dễ tìm lời giải của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp cần vốn thì lại chưa đạt tiêu chuẩn mà những doanh nghiệp đạt chuẩn thì lại "ngại vay" bởi việc mở rộng sản xuất thời điểm này cũng không dễ dàng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thành lập tổ công tác ở các địa phương để tập trung giải quyết thẳng vào các dự án, các doanh nghiệp đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc tại địa phương nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh. Đây là cũng có thể xem là chìa khóa tháo gỡ những vướng mắc thực tế phát sinh. Và chỉ khi doanh nghiệp được "cởi trói", được tạo môi trường thuận lợi thì dòng vốn được xem là phao "cứu sinh" mới thực sự giúp doanh nghiệp "hồi sinh"./.

Tác giả bài viết:

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục