Hàn Quốc bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân

18:51' - 11/05/2020
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 11/5, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân để khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra.

Để nhận tiền hỗ trợ bằng thẻ tín dụng hay thẻ tiền mặt, trước tiên người dân phải đăng ký bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc trang web của 9 công ty phát hành thẻ hỗ trợ đăng ký nhận tiền là Kookmin, Nonghyup, Lotte, BC, Samsung, Shinhan, Woori, Hana, và Hyundai.

Tiếp đó, chủ các hộ gia đình phải đăng ký nhận hỗ trợ khẩn cấp. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển tới chủ thẻ hai ngày sau khi đăng ký.

Trong tuần đầu tiên, cơ chế đăng ký nhận tiền hỗ trợ khẩn cấp được áp dụng tương tự cơ chế mua khẩu trang ngày chẵn, lẻ dựa theo số cuối năm sinh. Kể từ ngày 16/5 trở đi, người dân có thể đăng ký bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, từ ngày 18/5, người dân cũng có thể trực tiếp đến ngân hàng liên kết với 9 công ty thẻ trên để đăng ký nhận hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ chuyển vào thẻ vẫn được sử dụng như bình thường, tức là sẽ tự động trừ đi sau khi chủ thẻ thanh toán giao dịch.

Đáng chú ý, thời hạn sử dụng tiền trợ cấp là tới ngày 31/8, sau ngày này số tiền chưa được sử dụng sẽ tự động mất đi. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cũng giới hạn hình thức sử dụng tiền hỗ trợ khẩn cấp.

Cụ thể, số tiền này không thể dùng để thanh toán trực tuyến hay mua sắm ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, cửa hàng điện tử quy mô lớn, cũng như ở các quán rượu, trung tâm giải trí, chi phí dịch vụ công cộng, tiền bảo hiểm, phiếu mua hàng, vàng, bạc, phí giao thông, phí viễn thông.

Cùng ngày, chính quyền thủ đô Seoul cũng công bố các quy tắc phòng dịch COVID-19 mới. Theo đó, kể từ ngày 13/5, người dân thủ đô bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng tàu điện ngầm trong giờ cao điểm.

Những người không mang theo khẩu trang có thể mua tại văn phòng quản lý nhà ga hoặc tại 448 máy bán hàng tự động, 118 cửa hàng tạp hóa và 157 cửa hàng tiện ích trong các nhà ga.

Khi số lượng hành khách trên một toa tàu đạt 150% so với mức quy định, nhà ga sẽ phát loa thông báo yêu cầu đeo khẩu trang, nhân viên nhà ga sẽ đứng kiểm tra ngay tại cửa lên, hành khách không đeo khẩu trang sẽ không được lên tàu.

Bên cạnh đó, thành phố Seoul có kế hoạch sửa đổi điều lệ chuyên chở hành khách bằng tàu điện ngầm, bổ sung yêu cầu đeo khẩu trang phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Từ tháng Sáu tới, tại 10 nhà ga lớn thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải và 10 ga trung chuyển chính, chính quyền thủ đô sẽ bố trí nhân viên hướng dẫn để đảm bảo hành khách đứng đúng vạch và giữ khoảng cách an toàn khi chờ tàu.

Thành phố cũng dự kiến lắp thêm các toa tàu để giải quyết tình trạng hỗn loạn trong giờ cao điểm.

Trường hợp lượng hành khách trong một toa lên tới 170%, ngoài việc giới hạn hành khách lên tàu, lái tàu hoặc cán bộ điều hành nhà ga có thể tự nhận định tình hình để quyết định không dừng lại ở các trạm nhiều hành khách chờ.

Đối với loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến khác tại thủ đô là xe buýt, chính quyền dự kiến sẽ cho phép các tuyến xe vận hành 100% như trước khi thực hiện giảm chuyến để phòng chống lây lan dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, tùy theo tình hình thực tế, thời gian chờ giữa các chuyến có thể được điều chỉnh linh hoạt, các xe dự bị cũng có thể được huy động.

Chính quyền Seoul kêu gọi người dân tự ý thức theo dõi thông tin về giờ cao điểm và các tuyến đông người để lựa chọn phương tiện giao thông cũng như giờ di chuyển phù hợp, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Người có tiền sử các bệnh về hô hấp, có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao được khuyến cáo không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong giờ cao điểm.

Ngoài ra, tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 11/5, Thị trưởng Seoul Park Won-soon cho biết chính quyền thủ đô đã chính thức ra lệnh yêu cầu các cơ sở đăng ký quán ăn nhưng bán rượu và có hoạt động giải trí biểu diễn phải tuân thủ 7 quy tắc phòng dịch riêng.

Những trường hợp vi phạm sẽ bị cấm hoạt động và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Trong một diễn biến khác liên quan đến Hàn Quốc, theo đồng hồ nợ công do Văn phòng Ngân sách quốc hội Hàn Quốc (NABO) công bố ngày 10/5, tổng nợ quốc gia Hàn Quốc là 769.185 tỷ won (633 tỷ USD), tức là mỗi người dân phải gánh khoản nợ hơn 14.800.000 won (khoảng 12.200 USD).

Nợ công là những khoản vay mà chính quyền trung ương và địa phương phải thanh toán, tốc độ tăng nợ công đang ngày càng gia tăng gần đây.

Cụ thể, nợ quốc gia năm 2000 của Hàn Quốc là 100.000 tỷ won, năm 2004 là 200.000 tỷ won và đến năm 2019 lên tới 729.000 tỷ won (600 tỷ USD). Năm nay, dự kiến nợ công của Hàn Quốc sẽ vượt quá 800.000 tỷ won (660 tỷ USD).

Vấn đề là những khoản nợ công của Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng để thoát khỏi cú sốc do dịch COVID-19 bùng phát năm nay.

Nếu Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn dự thảo ngân sách bổ sung lần ba của Chính phủ là 30.000 tỷ won (25 tỷ USD), dự kiến nợ công sẽ lên tới 850.000 tỷ won (700 tỷ USD), tức là tới cuối năm nay, khoản nợ công mà mỗi người dân Hàn Quốc phải gánh chịu sẽ tăng thêm hơn 1.000 USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục