Hà Nam cam kết tạo mọi điều kiện cho ngành điện

10:47' - 05/11/2020
BNEWS Các Sở, ban, ngành là đầu mối phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp khi quy hoạch các dự án cần cung cấp sớm thông tin cho ngành điện để kịp thời chuẩn bị, đáp ứng nhu cầu về điện

Đó là cam kết được ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đưa ra tại buổi tiếp và làm việc mới đây với đoàn công tác Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) do bà Đỗ Nguyệt Ánh – Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc chủ trì về tình hình cung cấp điện và triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam), lũy kế 9 tháng năm 2020, sản lượng điện thương phẩm đạt 2.515 triệu kWh, tăng 8,32% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 71,2% kế hoạch EVNNPC giao cả năm 2020. Tổn thất điện năng thực hiện 3,48% thấp hơn 0,71% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn 0,37% so với kế hoạch EVNNPC giao cả năm 2020.

Ngoài ra, 14 chỉ tiêu chất lượng dịch vụ khách hàng đều thực hiện đạt chỉ tiêu so với quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Tính đến hết 30/6/2014, PC Hà Nam đã hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên toàn tỉnh, 100% xã, phường đã bàn giao cho ngành điện quản lý vận hành và bán điện trực tiếp cho các hộ dân. Cụ thể, 109/109 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỉ lệ 100%; số hộ có điện 304.690 hộ chiếm tỷ lệ 100%; trong đó, số hộ nông thôn có điện là 221.662 hộ, đạt 100%.

Năm 2020, EVNNPC đã giao cho PC Hà Nam 26 dự án chống quá tải, cải tạo lưới điện trung hạ áp với tổng mức đầu tư hơn 313 tỷ đồng....

Tại buổi làm việc, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh... và các đơn vị thuộc EVNNPC đã cùng nhau trao đổi thẳng thắn về tình hình cung cấp điện và triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian qua, PC Hà Nam đã phối hợp tốt trong việc đảm bảo cung ứng điện, cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như nắm bắt tốt việc quy hoạch lưới điện cho giao thông, quy hoạch phát triển đô thị.

Tỉnh Hà Nam hiện nay có 6 huyện/thị thì đã có 17 đô thị và 8 khu công nghiệp, 450 dự án đầu tư vào tỉnh như hiện nay cho thấy tốc độ phát triển phụ tải nhanh, nhu cầu về điện và chất lượng điện ngày càng đòi hỏi cao.

Hiện với các doanh nghiệp, khách hàng lớn, chất lượng điện áp có sự dao động, chưa ổn định, cần có sự tư vấn của ngành điện để nâng cao chất lượng điện áp; việc các doanh nghiệp, các khu công nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề đấu nối cũng như thủ tục mua điện do làm việc với các công ty ngoài cũng đang là vấn đề tỉnh và các sở ban ngành quan tâm, tháo gỡ...

Ông Lê Văn Trang, Phó Tổng giám đốc EVNNPC chia sẻ, EVNNPC luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ từ phía địa phương trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Với đặc thù một tỉnh có diện tích tương đối nhỏ, hiện nay ngành điện đã đầu tư 16 trạm biến áp 110 kV, 27 máy biến áp, điều này cho thấy ngành điện đã có phương án dự phòng nguồn tốt trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh Hà Nam như hiện nay.

Ông Trang cũng cho biết thêm, suất sự cố thoáng qua 9 tháng năm 2020 của PC Hà Nam giảm 85% so với cùng kỳ năm trước, sự cố vĩnh cửu giảm 20%, tình trạng điện áp thấp cơ bản hết, PC Hà Nam cũng được trang bị dịch vụ đấu điện hotline.

Chính vì vậy, việc thực hiện bán điện cho các khu công nghiệp được ngành điện đáp ứng tốt, năng lực dự phòng nguồn còn dồi dào, đề nghị tỉnh Hà Nam tạo mọi điều kiện để ngành được bán điện trực tiếp vào các khu công nghiệp.

Tiếp thu ý kiến của các sở, ban, ngành và lãnh đạo tỉnh Hà Nam, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc EVNNPC khẳng định, EVNNPC cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ và có dự phòng nhằm đảm bảo tất cả nhu cầu về điện phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an toàn, an ninh trên địa bàn.

Với dự kiến quy hoạch của tỉnh Hà Nam về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới thì nhu cầu về điện sẽ đòi hỏi rất cao. Hiện nay, EVNNPC đã phê duyệt kế hoạch đầu tư lưới điện 110 kV tính đến năm 2023, đã đáp ứng đc 50% nhu cầu, đảm bảo đón làn sóng đầu tư, đón được phụ tải có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

EVNNPC cũng đã tính toán tất cả lộ trình cấp điện cho các Khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Thái Hòa, Duy Tiên, Kim Bảng... Bên cạnh đó, Bà Ánh yêu cầu các Công ty Điện lực nói chung và PC Hà Nam nói riêng cần có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tham mưu cho lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh các quy hoạch kịp thời. Từ đó ngành điện mới có kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện theo đúng nhu cầu thực tiễn.

Cùng với đó, tỉnh Hà Nam cũng cần tăng cường phối hợp, sớm trao đổi thông tin với PC Hà Nam về kế hoạch của các nhà đầu tư vào địa phương trước khi tỉnh trao quyết định đầu tư.

Đối với hệ thống lưới điện nông thôn, bà Ánh thẳng thắn chia sẻ, EVNNPC hiện nay quản lý, bán điện cho 27 tỉnh/thành phố phía Bắc. Trung bình mỗi năm EVNNPC đầu tư thuần 12.000 tỷ, đây là mức đầu tư cao nhất trong các đơn vị trực thuộc EVN.

Tại Hà Nam đã có năm EVNNPC đầu tư hơn 1.000 tỷ để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện, đảm bảo điện cho khối khách hàng công nghiệp (tỉnh Hà Nam có 80% là khách hàng công nghiệp), khách hàng dân sinh và nâng cao chất lượng điện áp đặc biệt khu vực nông thôn. Đồng thời cam kết trong phạm vi ngành điện bố trí được vốn thì sẽ tiếp tục giành ưu tiên cao nhất cho tỉnh Hà Nam. Song song với đó, ngành điện hiện nay đang nỗ lực đảm bảo mỹ quan lưới điện, tiến tới hạ ngầm một số địa bàn trọng điểm.

Về tiếp nhận lưới điện theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, bà Ánh đề nghị Ủy ban tỉnh tạo mọi điều kiện để EVNNPC được tiếp nhận, bán điện trực tiếp cho khách hàng khi khách hàng đã hoàn thiện hồ sơ theo đúng trình tự hướng dẫn của quy định. EVNNPC có khả năng tính toán và sắp xếp được các nguồn cung cho khách hàng để không lẫn với các khách hàng công nghiệp nhỏ hay khách hàng dân sinh khác.

Với kiến nghị của tỉnh về chất lượng điện áp thấp trong một số khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn, Bà Ánh chia sẻ, với hiện trạng lưới điện như hiện nay của ngành điện là chưa có sự riêng biệt, một trạm biến áp có thể cấp điện cho công nghiệp, dân sinh, nông thôn... dẫn đến tình trạng chất lượng điện áp chưa cao.

Tuy nhiên theo quy định của Luật Điện lực thì chất lượng điện như vậy thuộc mức cho phép, so với thực tiễn đòi hỏi thì EVNNPC bằng kinh nghiệm cũng đã tư vấn, lắp đặt thêm các thiết bị điều chỉnh điện áp, nâng cao độ tin cậy điện áp cho rất nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung... EVNNPC sẵn sàng gặp trực tiếp khách hàng để tư vấn nhằm cải thiện, đảm bảo chất lượng điện năng ở mức cao nhất.

Theo khuyến nghị của tỉnh, hiện nay, có một số cán bộ công nhân viên ngành điện lợi dụng uy tín của ngành để ép khách hàng mua thiết bị, sử dụng các công trình của mình. Việc này EVNNPC có một quy trình kiểm soát chặt chẽ và được quy định trong văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt EVNNPC có nhiều kênh tiếp nhận thông tin như: Tổng đài chăm sóc khách hàng, zalo, mạng xã hội...nếu phát hiện trường hợp nào sẽ kỷ luật và sa thải...

Ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện cho ngành điện kinh doanh và hoàn thành sứ mệnh của mình.

Ông Huy chỉ đạo các Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải là các đầu mối phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp khi quy hoạch các dự án cần cung cấp sớm thông tin cho ngành điện để kịp thời chuẩn bị nguồn lực, thủ tục, điều kiện đáp ứng nhu cầu về điện; yêu cầu các nhà đầu tư nộp hồ sơ để đánh giá tiêu chí tuân thủ theo quy định của tỉnh trước khi bàn giao tài sản cho ngành điện đầu tư.

Về giải phóng mặt bằng, ông Huy cho rằng, EVNNPC nên giao đầu mối là các Công ty Điện lực để thuận lợi cho tỉnh nắm thông tin chỉ đạo kịp thời, không để chậm tiến độ. EVNNPC cũng nên giao chỉ tiêu thi đua cho các doanh nghiêp quản lý về việc thực hiện thời gian cắt điện, đối với khách hàng doanh nghiệp thì bố trí cắt điện sửa chữa vào ngày nghỉ và khách hàng dân sinh thì hạn chế.

Đặc biệt thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh không đề xuất bán điện trong các khu công nghiệp cho các công ty cổ phần, tập trung để EVNNPC trực tiếp bán điện cho khách hàng, cung cấp sớm kế hoạch dự kiến phát triển khu công nghiệp, phát triển phụ tải.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục