Hà Nam đảm bảo an toàn hệ thống đê bối trong mùa mưa bão

16:11' - 23/05/2017
BNEWS Hệ thống đê sông con, đê bối và cống dưới đê của tỉnh Hà Nam trong những năm qua đã được quan tâm củng cố, tu bổ nhưng hiện nay một số tuyến vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống lụt bão.

Vì vậy trong mưa lũ, bão trên hệ thống này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố nguy hiểm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, trên tuyến đê hữu Hồng có 4 đê bối là bối Chuyên Ngoại, Hồng Lý, Nhân Long và Nhân Hòa với tổng chiều dài 23,3 km, diện tích bảo vệ gần 1.600 ha đất và 14.000 dân.

Hiện nay, độ cao các đê bối đã ở mức nước trên báo động II đến báo động III, nhưng về chất lượng hầu hết được đắp bằng đất pha cát, nhiều đoạn đê bối sát lòng sông, chân hệ thống mỏ kè có dòng chủ lưu áp sát chân đê bối nên rất dễ gây sạt lở trong mùa mưa, bão, lũ.

Còn trên tuyến đê tả Đáy có 8 đê bối với tổng chiều dài hơn 22 km, bảo vệ trên 1.000 ha đất và 10.000 người dân sinh sống trong bối.

Hiện các đê bối này đã giữ được ở mức báo động II, nhưng mặt cắt còn nhỏ, nền và thân bối cũng bằng đất pha cát, chân bối có nhiều ao sâu nên khi lũ lên cao dễ gây thẩm lậu, sạt trượt.

Cùng với đó, toàn tỉnh Hà Nam có 214 cống dưới đê, nhiều cống do được xây dựng từ lâu nên rất yếu. Cụ thể, tại đê sông Hồng có 12 cống thì có 8 cái mới xây dựng, còn lại đều đã cũ, xuống cấp, điển hình như: cống Mộc Nam (huyện Duy Tiên) được xây dựng từ năm 1968.

Năm 2001 cống này được nạo vét, khám nghiệm và tu sửa lại các khớp nối ở đáy và thân cống, năm 2011 được nhà nước đầu tư xử lý thấm. Tuy nhiên, do cống được xây dựng từ lâu, công trình đã xuống cấp nên còn tiềm ẩn những sự cố nguy hiểm trong mùa mưa bão. Trên tuyến đê tả Đáy còn cống Lương Cổ ở vị trí K 107,493 cũng đã bị lún nứt, xói phía thượng lưu...

Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, xác định đê bối và cống dưới đê là những công trình xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố trong mùa mưa bão nên việc đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực phòng chống lụt bão cho toàn hệ thống đê nói chung và hệ thống đê bối, cống dưới đê luôn được các cấp, ngành của tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm.

Các sự cố xảy ra trên hệ thống đê bối, cống dưới đê trong những năm qua đã được Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương xử lý an toàn.

Trong mùa mưa, bão, lũ năm 2017, tỉnh Hà Nam đã xác định cụm công trình đầu mối cống, âu thuyền Tắc Giang trên đê sông Hồng và Cống Mộc Nam là trọng điểm phòng chống lụt bão cấp tỉnh để có biện pháp phòng chống kịp thời nếu xảy ra sự cố.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Đạt, đến nay, vật tư dự trữ chống lụt, bão trên các tuyến đê của 5 huyện và thành phố Phủ Lý đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống lụt bão. Các loại vật tư thiết yếu (Bạt chống sóng, vải lọc, rọ thép...) đã có đủ kho chứa, các loại vật tư ngoài trời (đá hộc, đất dự trữ) được bố trí phù hợp trên các tuyến đê.

Các công ty khai thác công trình thủy lợi cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư cho các trọng điểm xung yếu, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương, ban, ngành thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban phòng chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục