Hà Nội chú trọng phát triển các mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô

09:13' - 09/07/2022
BNEWS Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chú trọng phát triển các mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung (trên 10ha/1 điểm) với quy mô 270 ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp...

Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội hiện mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất đạt gần 100% diện tích, khâu thu hoạch đạt 90% diện tích còn khâu gieo, cấy tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vẫn thấp, mới chỉ đạt 2,55% diện tích.

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân khiến quá trình cơ giới hóa đồng bộ của Hà Nội gặp nhiều khó khăn là do yếu tố chủ quan và khách quan, chủ yếu là do nền nông nghiệp của Hà Nội có quy mô nhỏ, tính hợp tác, sản xuất hàng hóa chưa cao nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các loại máy có công suất lớn.

Bên cạnh đó, chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp trong nước mà chủ yếu là máy móc nhập ở nước ngoài nên giá bán cao, phụ tùng thay thế bắt buộc là chính hãng và phải chờ nhập khẩu nên nhiều hộ khó tiếp cận. Ngay cả những hộ mạnh dạn vay vốn vay quỹ khuyến nông để mua máy cũng chỉ chú trọng đến những loại dễ thực hiện, dễ thu hồi vốn như làm đất, gặt đập.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa đồng bộ các khâu sản xuất và sử dụng máy cấy không phù hợp với đồng đất. Đối với đồng ruộng lầy, thụt... phải sử dụng máy công suất lớn với khả năng vượt lầy nổi trội thì lại đưa các loại máy công suất nhỏ vào đồng ruộng nên không phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc thiếu đồng bộ trong các khâu sản xuất như thủy lợi, thời vụ, giống, làm mạ... cũng làm ảnh hưởng đến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Mô hình mạ khay, cấy máy được huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ứng dụng đầu tiên được nhiều địa phương tới tham quan, học tập. Năm 2012, huyện có hơn 100 ha lúa áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy.

Huyện đặt mục tiêu, đến năm 2014, 2015 có hơn 60% diện tích - tương đương khoảng 5.000 ha áp dụng mô hình và sẵn sàng hỗ trợ đầu tư hơn 450 máy cấy. Đến nay, diện tích áp dụng mạ khay, cấy máy của huyện mới đạt khoảng 10% diện tích gieo cấy. Mặc dù, huyện Phú Xuyên nằm trong nhóm các địa phương ứng dụng mô hình mạ khay, cấy máy cao nhất thành phố.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở huyện Phú Xuyên, mà nhiều địa phương khác của Hà Nội cũng tương tự như các huyện Đông Anh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức,  Thanh Oai, Hoài Đức...

Theo ông Phạm Văn Hoạch, Trưởng phòng kinh tế huyện Ứng Hòa, 10 năm nay huyện đã đưa mạ khay, cấy máy vào đồng ruộng nhưng diện tích lúa áp dụng mô hình này tăng rất ít không như kỳ vọng và chỉ dừng lại ở một số hợp tác xã có kinh nghiệm, năng lực...

Theo kinh nghiệm của một hợp tác xã sản xuất lượng khay mạ lớn nhất huyện Phú Xuyên (mỗi vụ 15-17 vạn khay) và có 11 máy cấy công suất lớn, việc lựa chọn loại máy nào để phù hợp với đồng đất, quy mô tích tụ ruộng đất... có ý nghĩa quyết định đến thành công của mô hình.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đỗ Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) cho rằng, hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng như giao thông nội đồng, hệ thống tiêu, thoát nước... cũng như mức độ tập trung ruộng đất còn nhiều hạn chế nên chưa thể đưa máy móc lớn, hiện đại vào đồng ruộng.

Do đó, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất cần thúc đẩy đầu tư cho hạ tầng sản xuất của các vùng chuyên canh, qua đó tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ...

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, để thúc đẩy tỷ lên cơ giới hóa trong nông nghiệp tăng cao, nhất là với khâu gieo cấy, trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chú trọng phát triển các mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung (trên 10ha/1 điểm) tại 7 xã của các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh với quy mô 270 ha.

Những mô hình này sẽ giúp các địa phương đúc rút kinh nghiệm, có giải pháp ứng dụng phù hợp.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có các cơ chế, chính sách đồng bộ đầu tư hơn nữa cho thủy lợi nội đồng; hỗ trợ mua máy cấy công suất cao; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã nông nghiệp... phấn đấu trong thời gian tới, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy đạt từ 20 đến 30%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục