Hà Nội đề nghị nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 lên mức cao nhất

19:37' - 29/04/2021
BNEWS Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn lên mức cao nhất.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 29/4, trước việc Hà Nội đã có hai trường hợp F1 liên quan đến ca mắc COVID-19 ở Hà Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các sở, ban, ngành, quận huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị cần tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chính thức đề nghị nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trên địa bàn lên mức cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành thành phố, UBND các địa phương, các quận, huyện, thị xã tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình; chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể là khai báo y tế bằng mã QR Code, ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế và yêu cầu của thành phố.

Người dân cần thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, trong đó yêu cầu nghiêm túc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người

Các cơ quan đơn vị, tổ chức doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá về thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá lên hệ thống tổ chức mình; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi trên địa bàn quản lý, nhất là các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe; xử lý nghiêm các tổ chức các nhân vi phạm.

Các đơn vị cần chủ động hết sức nghiêm túc, rà soát kỹ lưỡng, cập nhật hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiết bị tiêu hao, các cơ sở cách ly,...

Trong trường hợp phát hiện ca bệnh, các cơ quan, đơn vị phải tập trung chỉ đạo, áp dụng biện pháp khoanh vùng, truy vết cách ly, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Việc áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả, đảm bảo cách ly, khoanh vùng rõ, tránh việc cách ly quá rộng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và các hoạt động khác của người dân.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có Công điện 03/CĐ-CT về tăng  cường phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống trong và ngoài công lập, Trung tâm Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong tình trạng sẵn sàng đáp ứng cơ số thuốc, máy thở, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao để điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ lây nhiễm SARS-CoV-2, các trường hợp F1 có biểu hiện lâm sàng mắc bệnh về đường hô hấp.

Tất cả các bệnh viện sẵn sàng hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm, tăng cường khám sàng lọc cho đối tượng nguy cơ lây nhiễm.

Các cơ sở y tế dự trù, đáp ứng đầy đủ cơ số hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc men, trang thiết bị y tế cho các tình huống diễn biến dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế đề nghị, các quận, huyện, thị xã huy động phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ này phối hợp với lực lượng Công an, đặc biệt là Công an khu vực rà soát, bám sát tình hình khu vực dân cư, kip thời phát hiện thông báo cho chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh trái phép và phối hợp truy vết các trường hợp F1,F2.

Các đơn vị quản lý bến xe, vận tải, các chủ cơ sở khách sạn, nhà hàng… ký cam kết, chịu trách nhiệm khi phát hiện trường hợp nghi ngờ để báo cáo ngay cho chính quyền địa phương.

Đặc biệt, để đảm bảo truy vết khi có ca F0, các quận, huyện, thị xã phải quán triệt tất cả các điểm khai báo y tế phải thực hiện nghiêm túc để phục vụ truy vết khi trên địa bàn xuất hiện trường hợp F1, F0.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Việt Nam, từ ngày 26-29/4 đã ghi nhận 32 ca mắc mới, trong đó 31 ca là người nhập cảnh, một ca là trường hợp nhân viên khách sạn tại Yên Bái có tiếp xúc với đoàn chuyên gia cách ly tại khách sạn nên bị lây nhiễm và đã được cách ly kịp thời.

Tại Hà Nội, từ ngày 26-29/4, Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca mắc mới là người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh

Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát tuy nhiên nguy cơ hiện nay đang ở mức rất cao.

Sau một thời gian không phát hiện ca mắc mới ngoài cộng đồng dẫn đến một số nơi người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, dự báo lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ cao hơn.

Để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong dịp lễ 30/4 - 1/5, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, Sở đã tiếp tục dừng việc tổ chức các lễ hội và phố đi bộ, hạn chế tập trung đông người tại các di tích, đảm bảo thực hiện Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang.

 Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Công an thành phố, Sở Y tế và các quận huyện tăng cường xử lý việc không đeo khẩu trang tại các di tích.

Đối với các lĩnh vực kinh doanh gồm: Karaoke, vũ trường, internet, các bể bơi và các hoạt động chiếu phim, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Công an thành phố, các quận huyện cần tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Sau bốn ngày nghỉ lễ, nếu tần suất vi phạm nhiều cần xem xét để đề xuất, kiến nghị thành phố cho các cơ sở trên tạm dừng hoạt động trong thời gian này.

Trong đợt này, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ duy trì đoàn kiểm tra, tăng cường các hoạt động, phối hợp chặt chẽ với Công an các quận, huyện, sở, ngành để kiểm tra kiểm tra xử lý vi phạm.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, trước nguy cơ cao của dịch bệnh và như trên thế giới tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn lần trước; vì vậy, cần hết sức cảnh giác tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, theo chỉ đạo tại Công điện 03 của Chủ tịch thành phố.

Các sở ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm bốn tại chỗ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục