Hà Nội duy trì chốt tự quản “vùng xanh" tại các thôn, tổ dân phố

22:01' - 21/09/2021
BNEWS UBND các quận, huyện, thị xã cần khẩn trương xây dựng, chủ động quyết định và phê duyệt kế hoạch triển khai Chỉ thị 22/CT-UBND phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương.

Ngày 21/9, nguồn tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, liên quan đến băn khoăn của người dân tại một số thôn, tổ dân phố, trên địa bàn thành phố vẫn còn các chốt tự quản "vùng xanh", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có chỉ đạo rất cụ thể tại Chỉ thị 22/CT-UBND về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa thành phố.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần khẩn trương xây dựng, chủ động quyết định và phê duyệt kế hoạch triển khai Chỉ thị 22/CT-UBND phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương.

Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã khi thực hiện phong tỏa, cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…);

Duy trì hoạt động các “pháo đài" chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn, lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn; duy trì các chốt tự quản “vùng xanh" tại các thôn, xóm, làng, tổ dân phố, khu dân cư để kiểm soát di biến động của người dân.

UBND các quận, huyện, thị xã cần xác định mục tiêu thực hiện giãn cách để kiểm soát dịch nhanh nhất và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: Thực hiện nghiêm việc giãn cách; đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân; không để thiếu ăn, thiếu mặc;

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo nguyên tắc 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch và phối hợp với Sở Công Thương đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm khi cần thiết; chủ động triển khai kế hoạch, phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để đáp ứng và đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở;

Thành lập các đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ hoạt động trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu đóng cửa khi không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh của trung ương và thành phố.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với từng hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; rà soát, lập danh sách người có bệnh nền, xác định vị trí các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời có các phương án phong tỏa, cách ly hoặc các biện pháp cấp bách khi tình huống xuất hiện các ca nhiễm;

Khẩn trương truy vết, cách ly, xét nghiệm để thu hẹp khu vực phong tỏa, đảm bảo quy mô nhỏ, quản lý chặt; duy trì yêu cầu xét nghiệm 2-3 ngày/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, rất cao và tầm soát tại các khu vực có nguy cơ trên địa bàn.

Trong diễn biến liên quan đến việc tuần tra, kiểm soát các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố, thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố đang duy trì 55 chốt trên địa bàn thành phố, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ ra, vào thành phố, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận (trước đó là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở).

Đặc biệt, trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát dịch ra, vào thành phố từ ngày 24/7 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đánh giá, các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào thành phố, kiểm soát được phương tiện ra, vào.

Vì vậy, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch. Thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để triển khai việc quét mã QR Code tại các chốt kiểm soát; trong kiểm soát người vào thành phố chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ.

Cùng với đó, Công an thành phố tiếp tục tổ chức các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý trường hợp vi phạm, tiếp tục duy trì; có phương án bảo vệ, chốt chặt vùng phong tỏa, cách ly; làm tốt công tác nắm tình hình; bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là ở giai đoạn hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục