Hà Nội khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài

15:50' - 05/12/2023
BNEWS Với vị thế là Thủ đô – trái tim của cả nước, thời gian qua, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài..

Thành phố Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp...

 

Đồng thời, ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố.

Theo ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA), thành phố Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi và tăng trưởng, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2023 ước thực hiện 344,3 nghìn tỷ đồng, đạt 97,6% dự toán pháp lệnh năm và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 628,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng ước tính đạt 13,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa  ước tính đạt 30,6 tỷ USD. Khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 3.967 nghìn lượt người, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 1,51% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Thành phố đã giải quyết việc làm cho 186,2 nghìn lao động, đạt 114,9% kế hoạch năm.

Giai đoạn 2018-2020, thu hút FDI của Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó: Năm 2018 và 2019 xếp thứ nhất toàn quốc với số vốn lần lượt đạt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; năm 2020, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành đạt 3,83 tỷ USD. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính chung 10 tháng năm 2023, toàn thành phố thu hút 2,607 tỷ USD vốn FDI, trong đó: Đăng ký cấp mới 346 dự án với số vốn đạt 321 triệu USD; 141 lượt dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 242 triệu USD; 274 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.044 triệu USD. Hà Nội là một trong những địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất trong cả nước.

Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hà Nội đã xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô.

Với chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, Hà Nội đã và đang đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện, đa dạng hóa, đa phương hóa đối tác thu hút đầu tư, mở rộng kết nối hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước để hợp tác xúc tiến đầu tư (trực tiếp và trực tuyến). Định hướng thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch của Hà Nội trong thời gian tới được đặt ra: Tăng cường công tác liên kết, hợp tác: Mở rộng hợp tác xúc tiến đầu tư với tỉnh, thành phố trong các Vùng kinh tế trọng điểm, mọi Vùng miền, Khu vực trên cả nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư…; Tăng cường liên kết với Bộ, Ngành, Đại sứ quán, tham tán, hiệp hội, tổ chức quốc tế... để quảng bá hình ảnh Thủ đô, kêu gọi thu hút đầu tư. Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, chủ động hỗ trợ, giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường kết nối các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ tìm đầu ra, phát triển sản phẩm một cách thiết thực hiệu quả.

Ông Lê Tự Lực cho biết thêm, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu: Chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm xuất khẩu; Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm chế biến và chế tạo, các loại sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Phát triển thị trường trong nước: Gia tăng cầu tiêu dùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và các nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ.

Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại - nông nghiệp: Đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến thương mại; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số; Tăng cường liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Trang nông sản an toàn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao: Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, khai thác giá trị di sản văn hóa của Thủ đô… đảm bảo tính đặc sắc, bền vững, độc đáo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách nội địa và quốc tế.

Thời gian tới Hà Nội sẽ đổi mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch, chú trọng sử dụng các hình thức, công cụ xúc tiến du lịch mới; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong xúc tiến, quảng bá du lịch, thực hiện chuyển đổi số gắn với hệ thống du lịch thông minh; tiếp tục thực hiện hiệu quả quảng bá du lịch Hà Nội trên các kênh truyền hình lớn trong nước và quốc tế; Tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là trong khảo sát, xúc tiến, kết nối doanh nghiệp; Liên kết các hãng hàng không, hãng lữ hành quốc tế lớn, tổ chức xúc tiến các nước thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội tại chỗ và các thị trường trọng điểm quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục