Hà Nội: Lĩnh vực đầu tư và xây dựng chịu sức ép nặng nề

21:14' - 30/09/2021
BNEWS Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 trên địa bàn Hà Nội kéo dài nhiều tháng giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng nặng nề cho lĩnh vực đầu tư và xây dựng.

Nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm cũng như đời sống dân sinh ngưng trệ và mới được khởi động lại trong những ngày cuối tháng 9/2021.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, hoạt động đầu tư, xây dựng chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý III ước tính đạt 82,9 nghìn tỷ đồng, giảm 12,4% so với quý trước và giảm 28,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số đó, vốn đầu tư phát triển từ khu vực Nhà nước đạt 28,8 nghìn tỷ đồng, giảm 27,8% so với cùng kỳ; vốn ngoài Nhà nước đạt 42,8 nghìn tỷ đồng, giảm 32,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 11,3 nghìn tỷ đồng, giảm 9,3%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tính  đạt 247,6 nghìn tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2020 tăng 7,3%).

Trong số đó, vốn đầu tư khu vực Nhà nước đạt 84,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 34% tổng vốn đầu tư và giảm 7%; vốn ngoài Nhà nước đạt 132,1nghìn tỷ đồng, chiếm 53,4% và giảm 9,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt31,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% và tăng 1,8%.
Về nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tháng 9/2021, thành phố Hà Nội có 3 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 triệu USD; 2 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 5,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 0,2 triệu USD.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần ước đạt 927 triệu USD; trong đó, đăng ký mới 246 dự án với số vốn 162,6 triệu USD; 93 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 492,4 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 315 lượt, đạt 272 triệu USD.
Đối với hoạt động xây dựng cũng ảm đạm. Trong quý III/2021, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất kinh doanh ngành xây dựng.

Đặc biệt, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, chỉ các dự án, công trình trọng điểm, công trình xử lý cấp bách đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch được tiếp tục hoạt động.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Từ khi khởi công đến nay, dự án đã giải ngân được gần 16 nghìn tỷ đồng, đạt 48,2% tổng vốn đầu tư.

Tiến độ chung của dự án đạt trên 74%; trong đó, đoạn trên cao đạt 89,4%; việc giải phóng mặt bằng các ga ngầm đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, 10 đoàn tàu và thiết bị hệ thống thu vé tự động đã được đưa về dự án để phục vụ việc lắp đặt chạy thử nghiệm cho đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy.
Dự án đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng với tổng chiều dài 5,4 km.

Tiến độ chung toàn dự án đạt trên 60%; trong đó, đoạn tuyến trên cao Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đoạn đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện, dự kiến quý I/2023 sẽ đưa vào khai thác.
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4 km, được khởi công từ ngày 9/1/2021.

Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành công việc khoan nhồi và tiếp tục triển khai hạng mục bệ mố trụ nằm trong gói thầu.

Đây là dự án trọng điểm của Thủ đô trong thời gian tới, các đơn vị đang huy động nhân lực nhằm thi công vượt tiến độ của dự án.
Đối với dự án đường vành đai 3,5, đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 có tổng chiều dài 5,6 km chạy ngang qua 4 xã thuộc huyện Hoài Đức với tổng mức đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng và nhà thầu đang gấp rút hoàn thành dự án.
Theo UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua lĩnh vực đầu tư và xây dựng chịu sức ép nặng nề do đình trệ thi công.

Mặc dù thành phố có nhiều giải pháp, nhưng để cải thiện được trong thời gian tới đòi hỏi các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải rất nỗ lực, chạy vượt công suất mới bù đắp được phần nào khó khăn tồn đọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục