Hà Nội phát triển đô thị xanh hai bên sông Hồng

17:54' - 11/03/2021
BNEWS Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, quan điểm phát triển đô thị hai bên sông Hồng của Hà Nội được tiếp cận theo hướng thuận thiên, xây dựng đô thị xanh.

Trong 10 Chương trình công tác toàn khoá được Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII xem xét, thông qua tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ngày 11/3, Dự thảo Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025” là chương trình quan trọng, được dư luận quan tâm, giải quyết những vấn đề nổi cộm còn tồn tại lâu nay của thành phố.

Trình bày dự thảo chương trình này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông nêu rõ, Chương trình 05 - Ct/TU nhằm cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung thực hiện tốt mục tiêu tổng quát đến năm 2025 phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; đến năm 2045 Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Đối với các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đạt được đến hết năm 2025, về quy hoạch, quản lý quy hoạch, thành phố phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60 - 62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch phân khu đô thị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện và hoàn thành phê duyệt hoặc điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn đều đạt 100%. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị.

Trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phấn đấu các tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; chất thải nguy hại được xử lý; chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đều đạt 100%. Đồng thời, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50 - 55%...

Để triển khai thực hiện tốt chương trình này, Thành ủy Hà Nội đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhóm giải pháp chủ yếu.

Theo lộ trình tổ chức thực hiện, trong quý I/2021, thành phố triển khai phổ biến, quán triệt nội dung chương trình tới các cấp, ngành và nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh cơ bản đề án, kế hoạch.

Từ quý II/2021 đến quý IV/2023 tổ chức triển khai, thực hiện các đề án, kế hoạch; báo cáo đánh giá rà soát sơ kết 3 năm thực hiện và điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu chương trình.

Từ quý I/2024 đến quý IV/2025 đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch và hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình, định hướng cho giai đoạn tiếp theo.

Trao đổi với báo chí về Dự thảo Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII bên lề Hội nghị lần thứ ba, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, quan điểm phát triển đô thị hai bên sông Hồng của Hà Nội được tiếp cận theo hướng thuận thiên, xây dựng đô thị xanh...

Đê sông Hồng vốn được xem là nơi bất khả xâm phạm. Đường đê như một đập tràn. Nếu xác suất 500 năm nước lũ vượt quá bờ đê thì nước chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng gì đến thành phố.

Với đồ án quy hoạch, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra.

Như vậy, việc quy hoạch thủy lợi tích hợp trong quy hoạch này hoàn toàn chấp hành Quyết định 257/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; trong đó, thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số 1 - Bí thư Thành ủy khẳng định.

Việc xây dựng quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng do Nhà nước thực hiện. Nếu quy hoạch được thông qua và sớm triển khai sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn lâu nay của thành phố; đồng thời, đảm bảo sinh kế hàng triệu người dân sống hai bên sông mà bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn, tạo được quỹ đất để phát triển.Thành phố với điểm nhấn là dòng sông ở giữa với hành lang xanh sẽ là một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại.

Đối với hiện trạng cư dân sinh sống hai bên bờ sông, thành phố đang nghiên cứu, xây dựng tích hợp cả quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ để từng bước giải quyết. Sau khi quy hoạch sông Hồng chính thức được phê duyệt, thành phố sẽ có phân loại danh mục công trình cơ sở của cả người dân và tài sản công dọc tuyến này để có chính sách phù hợp.

Dự thảo Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín). Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận, huyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục