Hà Nội tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vận tải

17:27' - 30/11/2020
BNEWS Ngày 30/11, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức đối thoại, giải đáp và tiếp thu ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

Thông qua đối thoại, ý kiến của đại diện các doanh nghiệp cũng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để tiếp tục cải tiến, hoàn thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp...

Giải đáp câu hỏi của đại diện Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị Toàn Bộ, khi đơn vị đi làm thủ tục đăng kiểm đã “tích đầy đủ” nhưng trên hệ thống đăng kiểm quốc gia lại chưa tích ô “kinh doanh” nên chưa được giải quyết kịp thời, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Hương Giang cho biết, khi làm thủ tục cấp phù hiệu, một trong những yêu cầu bắt buộc phải có là trên giấy đăng kiểm phải tích vào ô “kinh doanh vận tải” và ô có “GPS” thì sở mới thực hiện cấp phù hiệu theo quy định.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp vận tải, mặc dù trên giấy tờ gốc đã tích vào đầy đủ các ô này nhưng trên hệ thống đăng kiểm quốc gia lại chưa có. Do đó tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ, cán bộ thụ lý tra trên hệ thống đăng kiểm quốc gia chưa thấy tích “GPS”. Do sau 5 ngày cơ quan đăng kiểm mới nhập xong toàn bộ dữ liệu lên hệ thống đăng kiểm quốc gia.

Bà Đỗ Hương Giang cho biết, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị nâng cấp hệ thống online để bắt kịp với hệ thống dịch vụ công của Bộ Giao thông Vận tải. Phía Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang tiến hành nâng cấp hệ thống online nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh, do đó chắc chắn sẽ phải qua một thời kỳ quá độ, có phần chưa được giải quyết kịp thời.

Theo bà Đỗ Hương Giang, sau cuộc họp này, Sở Giao thông Vận tải sẽ có văn bản tiếp tục gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giải quyết các thủ tục nhanh gọn hơn….

Đối với ý kiến của anh Lê Huy Phương, Công ty TNHH Logistics về việc khi làm thủ tục đổi sổ liên vận có nên thu hồi lại Giấy phép liên vận cũ (transit) không? 

Theo đại diện doanh nghiệp không cần thiết phải thu hồi hoặc nếu vẫn thu hồi thì nên gia hạn 15 ngày cho doanh nghiệp. Hiện nay “Transit” có ít trang mặc dù gia hạn tối đa 1 năm nhưng doanh nghiệp chỉ dùng được 8 tháng là hết sổ.

Do Hồ sơ cấp Phù hiệu xe mới cần đăng ký xe, doanh nghiệp đề nghị chấp nhận giấy hẹn đăng ký. Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi, Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ có bị trùng với chứng chỉ nghề lái xe đã được các cấp khi có bằng lái xe không? Có cần thiết phải có chứng chỉ này không?

Trả lời câu hỏi này, bà Đỗ Hương Giang cho biết, theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp làm thủ tục đổi sổ liên vận vẫn cần phải phải nộp cả giấy phép liên vận cũ.

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Hương Giang, do ra đời đã lâu nên Thông tư số: 88/2014/TT - BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có những điều không còn phải ánh đẩy đủ thực tế ngày hôm nay, do đó doanh nghiệp có văn bản kiến nghị gửi sở để sở có căn cứ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi.

Đối với việc đơn vị  phản ánh mới đi 8 tháng đã hết sổ liên vận, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, sửa đổi cho phù hợp. 

Về Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ và chứng chỉ nghề lái xe đã được cấp khi có bằng lái xe, bà Đỗ Hương Giang cho biết, đây là 2 loại giấy chứng nhận khác nhau.

Khi cấp bằng lái xe thì mọi người đều được cấp chứng chỉ như nhau, nhưng khi kinh doanh vận tải phải bổ sung thêm các vấn đề liên quan đến kinh doanh, thái độ phục vụ, chứ  không còn là câu chuyện chỉ lái xe không nữa.

Theo đó, ít nhất 3 năm một lần doanh nghiệp vận tải phải tổ chức cho lái xe và nhân viên trên xe học các bài giảng về ý thức nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, luật pháp liên quan đến vấn đề giao thông vận tải; quy trình an toàn giao thông, giao nhận xe, giao nhận hàng hóa; vận chuyển hành khách trên đường,… Tất cả các nội dung này nằm trong chương trình khung mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cơ quan này đang tiếp nhận và giải quyết 93 thủ tục hành chính, gồm: 59 thủ tục hành chính lĩnh vực đường bộ, 29 thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy nội địa, 1 thủ tục hành chính lĩnh vực đăng kiểm, 3 thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng và 1 thủ tục hành chính lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Đến nay, 92/93 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 99%) đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4, bao gồm: 76 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 16 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4; trong đó, riêng các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp vận tải là 34 thủ tục hành chính.

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ vô cùng quan trọng; trong đó, đây là khâu đột phá, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã tập trung triển khai một số nội dung cải cách thủ tục hành chính như: xây dựng, ban hành và quán triệt thực hiện các quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 áp dụng cho 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội; trong đó, quy định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết của cá nhân, bộ phận, phòng ở từng khâu từ tiếp nhận, bàn giao, thụ lý giải quyết đến trả kết quả và lưu hồ sơ.

Bên cạnh đó, sở đã thường xuyên rà soát, kịp thời trình UBND thành phố công bố ban hành danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội; niêm yết công khai hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa và trên Cổng thông tin điện tử của Sở; niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử tại bộ phận Một cửa và trên Cổng thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải Hà Nội (www.sogtvt.hanoi.gov.vn).

Tính đến ngày 18/11/2020, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tiếp nhận và trả lời đúng hạn 2658 câu hỏi, ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân qua số điện thoại đường dây nóng, website, hộp thư điện tử của Sở, trong đó 90% nội dung các ý kiến phản ánh, thắc mắc về thủ tục hành chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục