Hà Nội thị trường hàng hóa ổn định, không bị gián đoạn nguồn cung

13:13' - 13/09/2024
BNEWS Theo báo cáo của Quản lý thị trường Hà Nội, tình hình thị trường trên địa bàn tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội chiều ngày 12/9, hiện nay, do mực nước ở sông Hồng, sông Nhuệ... đang ở mức cao kèm theo mưa lớn kéo dài làm nhiều điểm trên tuyến phố nội đô của thành phố ngập úng cục bộ, giao thông khó khăn. Dù vậy, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân.

Tuy nhiên, do tâm lý sợ ngập lụt mất điện cục bộ và nhu cầu mua sắm tích trữ của người dân tăng cao nhưng các cửa hàng siêu thị, trung tâm thương mại... đã kịp thời bổ sung hàng hóa để phục vụ người dân.

Giá các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong việc thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được các siêu thị, chủ sạp chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

Ông Trịnh Quang Đức - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, tính từ 12h ngày 11/9 - 12h ngày 12/9, các phòng, Đội Quản lý thị trường đã làm việc và thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các Đội Quản lý thị trường vẫn tiếp tục tăng cường công tác ứng trực, đảm bảo an toàn cơ sở vật chất.

Trong những ngày qua Hà Nội chịu ảnh hưởng từ hoàn lưu cơn bão số 3, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường, tiếp tục quán triệt thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường; Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và Cục Quản lý thị trường về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2024.

Cùng đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm trục lợi; phối hợp đảm bảo ổn định thị trường, giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu cầu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường thành phố cũng tăng cường quản lý, theo dõi lĩnh vực địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng, vật tư phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng...

Theo ghi nhận, sáng 13/9, qua khảo sát một số chợ truyền thống và dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Kim Liên, Mùng 8/3, chợ Xanh, chợ 105... cho thấy các mặt hàng thực phẩm rất dồi dào, nhất là mặt hàng rau xanh đã "hạ nhiệt" sau mấy ngày mưa to vừa qua. Nhìn chung, mặt bằng giá cả đã trở lại như những ngày thường không còn tăng giá "đột biến".

Những ngày trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa kéo dài nên nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội bị ngập sâu, rau xanh dập nát khiến cho thị trường thực phẩm rau xanh trên địa bàn Hà Nội tăng giá mạnh.

Cụ thể là ngày 11/9, giá rau muống lên 25.000 đồng/mớ nay xuống còn 15.000 đồng/mớ; bí xanh từ 40.000 đồng/kg nay xuống còn 30.000 đồng/kg; rau ngót, rau dền từ 20.000 đồng xuống còn 13.000-15.000 đồng/mớ; quả lặc lè từ 45.000 đồng/kg xuống còn 30.000; bắp cải từ 45.000 đồng/kg xuống còn 27.000-30.000 đồng; cà chua từ 55.000 đồng/kg xuống còn 30.000 -35.000 đồng/kg; mùng tơi từ 17.000 đồng/mớ xuống còn 10.000-13.000 đồng/mớ, đặc biệt là các loại rau gia vị từ chỗ khá đắt, từ 10.000-15.000 đồng/mớ nay xuống còn 5000-8000 đồng/mớ.

Giá thịt lợn khoảng 140.000 – 160.000 đồng/kg; trong đó, thịt nạc vai từ 130.000 – 150.000 đồng/kg; sườn sụn 180.000 đồng/kg; giá thịt bò cũng chỉ 300.000-320.000 đồng/kg, trứng gà 32.000-35.000 đồng/10 quả (bình thường khoảng 32.000 đồng/10 quả). 

Để đảm bảo bình ổn thị trường phục vụ nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội liên tục đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, hướng dẫn, kiểm tra các hộ kinh doanh đảm bảo ổn định giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng tăng giá góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng lợi dụng mưa, bão để nâng giá trục lợi. Đồng thời rà soát, kiểm tra việc thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân của các đơn vị trên địa bàn, đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh và khả năng của đơn vị chủ động về nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong mùa mưa bão như: sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, nước sạch, thực phẩm chế biến từ thịt và cá, gạo, nến, sữa uống hộp giấy, ủng, cao su, đèn pin, áo mưa...

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục