Hà Nội thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng chăn nuôi

16:09' - 29/03/2022
BNEWS Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng chăn nuôi tập trung.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay thành phố đã có 557 trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…

 

Tại huyện Mỹ Đức có 150 trang trại, gia trại; trong đó, 78 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với gần 810 ha. Các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện đạt doanh thu từ 300-900 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Để phát triển kinh tế nông thôn, huyện cũng khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư gắn với sơ chế, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ chế biến sau thu hoạch; chuyển đổi mạnh các mô hình kinh tế nông nghiệp có tính cạnh tranh cao, gắn sản phẩm nông nghiệp với dịch vụ du lịch; xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, tạo sản phẩm chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô 50.000 con tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai và thị xã Sơn Tây.

Theo các hộ dân tham gia mô hình này tại thị xã Sơn Tây, mô hình nuôi gà thả vườn bổ sung thảo dược đã hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, giúp đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, nâng cao sức đề kháng.

Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi tốt, mô hình không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập từ nuôi con đặc sản mà còn góp phần bảo tồn, nhân rộng thương hiệu gà Mía Sơn Tây.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì sự phát triển của các trang trại vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng trang trại áp dụng công nghệ cao toàn phần ít, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý, điều hành. Nhiều trang trại chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nên số lượng trang trại có liên kết còn ít…

Để tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch khu chăn nuôi theo vùng, xã, trọng điểm, xa khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cùng đó, chú trọng xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn; tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng chăn nuôi tập trung; ưu đãi về thuê đất, mặt nước để thực hiện dự án; hỗ trợ kinh phí xây dựng ban đầu đối với cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm… nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục