Hà Nội thúc đẩy tháo gỡ các vấn đề “nóng”

16:50' - 31/03/2023
BNEWS Sáng 31/3, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Quý I/2023 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến để bàn về 3 vấn đề “nóng”.

Sáng 31/3, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Quý I/2023 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến để bàn về 3 vấn đề “nóng” gồm quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường; đầu tư, khai thác chợ và công viên trên địa bàn thành phố được đông đảo người dân quan tâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh những khó khăn, bất cập trong quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố vốn gắn với sinh kế của người dân mà nguyên nhân xuất phát từ thiếu quy hoạch, dẫn đến thiếu công khai, minh bạch... Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị tìm ra các giải pháp căn cơ, bài bản, tránh “bắt cóc bỏ đĩa".

Cần giải pháp căn cơ

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, giải pháp đầu tiên cần quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp đặc điểm từng khu vực, địa bàn cụ thể. Các mô hình quản lý của các nước phát triển được nghiên cứu áp dụng, như cho phép kinh doanh vỉa hè, bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của nhân dân, tiến hành “số hóa” tổ chức thực hiện, trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao thông tĩnh; chỉ đạo rà soát, bố trí lại hướng - tuyến giao thông hiệu quả hơn nữa để giảm thiểu xung đột và ùn tắc khu vực giao thông...

Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành chỉ thị về vấn đề này nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc.

Báo cáo về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, khó khăn, vướng mắc hiện nay là hệ thống hạ tầng giao thông (đặc biệt là giao thông tĩnh) chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, dẫn đến một số hành vi vi phạm không được giải quyết triệt để. Tại địa bàn các quận có mật độ dân cư cao, lưu lượng phương tiện lớn, điểm trông giữ phương tiện ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân dẫn đến tình trạng dừng, đỗ phương tiện không đúng nơi quy định; phát sinh điểm trông giữ phương tiện không phép hoặc có phép nhưng vượt phạm vi, loại hình được cấp phép trông giữ.

Số người kinh doanh, buôn bán dựa vào lòng đường vỉa hè để mưu sinh rất lớn, nhiều trường hợp không có mặt bằng kinh doanh chỉ kinh doanh trên hè phố và tồn tại từ lâu nên việc kiểm tra, xử lý giải tỏa gặp sự phản ứng của người dân. Bên cạnh đó tình trạng các dự án khu đô thị đã đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa tiến hành bàn giao hạ tầng giao thông nên việc tổ chức sắp xếp phương tiện còn lộn xộn, khó khăn trong kiểm tra, xử lý vi phạm…

Thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, ngành tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông tại tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn, nhất là khu vực các quận nội thành nơi thường xuyên diễn ra sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao… để thống nhất danh mục tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố. Đồng thời, thành phố nghiên cứu đưa ra tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố như: Bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn, khu vực tổ chức sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn; tuyến không thuộc tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm phục vụ công tác điều tiết, phân luồng giao thông…

Thành phố sẽ có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ô tô dừng, đỗ trên hè phố; sửa đổi Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 3/5/2018 của UBND thành phố ban hành Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố, trong đó, bổ sung quy định hè phố chỉ được phép sử dụng một phần để sắp xếp xe đạp, xe máy, không sắp xếp ô tô, không sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện xe ô tô.

Đối với Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, sẽ nghiên cứu, phối hợp cùng đơn vị liên quan có phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, điểm trông giữ phương tiện, chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân.

Cùng với đó là nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn để đảm bảo công tác trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông; tổ chức rà soát, báo cáo về các bến, bãi, điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn để quản lý, kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nêu bật những khó khăn trong phát triển giao thông tĩnh trên địa bàn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu đỗ xe của người dân. Số lượng phương tiện liên tục tăng trong khi diện tích đất dành cho giao thông tăng quá chậm. Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh theo quy hoạch đến năm 2020 phải đạt 3 - 4% nhưng thực tế hiện nay chưa đạt 1%, do vậy mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Đáng chú ý, hiện nay, cơ bản các dự án liên quan đến bãi xe ngầm, cao tầng đều ngừng trệ, rất ít dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Vấn đề không chỉ do cơ chế, chính sách thuế, phí dành cho nhà đầu tư mà còn cả câu chuyện quản lý giao thông tĩnh. Cung không đáp ứng cầu khiến phát sinh tình trạng trông giữ xe tùy tiện, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trông giữ xe, trốn thuế, phí, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến không thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực giao thông tĩnh.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, việc đỗ xe tạm thời trên lòng đường, vỉa hè một số tuyến phố là cần thiết và hoàn toàn nhất trí với thành phố trong việc rà soát để ban hành quy định tuyến phố cho đỗ, tuyến phố cấm đỗ cả lòng đường, vỉa hè, thay thế cho quyết định ban hành trước đó.

Kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư cho công viên

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội hiện có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra, thành phố còn có các công viên, vườn hoa do chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý.

Thực hiện Chương trình số 03 - CTr/TU của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 332/KH - UBND về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025, trong đó cải tạo, nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận; hoàn thành xây dựng mới 6 công viên (Công viên Chu Văn An, Công viên CV1, Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên văn hóa Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang, Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông); đôn đốc triển khai 3 công viên (Công viên Thiên văn học, Công viên - hồ điều hòa Mai Dịch, Công viên Hữu Nghị).

Đối với 5 công viên do thành phố quản lý, có 4 công viên (Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình) nằm trong kế hoạch cải tạo nâng cấp. Riêng Công viên Lê Nin đã được UBND quận Ba Đình đầu tư, nâng cấp đồng bộ từ năm 2017 và hiện chỉ duy tu sửa chữa nhỏ. Về các công viên do quận, huyện, thị xã quản lý, cuối năm 2022, UBND quận Tây Hồ đã cải tạo được 3/5 điểm xung quanh Vườn hoa hồ Trúc Bạch; UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng Vườn hoa Diên Hồng; UBND quận Long Biên khởi công cải tạo Vườn hoa Ngọc Lâm, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023. Ngoài ra, UBND các quận đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, dự kiến trong năm 2023 sẽ thực hiện cải tạo 11 vườn hoa, 1 công viên.

Cùng với việc chỉ đạo Sở Xây dựng đôn đốc chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ 9 công viên xây mới; đồng thời, chủ đầu tư sớm hoàn thành, bàn giao công viên, vườn hoa tại các dự án khu đô thị phục vụ người dân, thành phố tập trung nguồn lực, khẩn trương cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở, phù hợp hiện trạng và khu vực liền kề. Đối với các dự án xã hội hóa, thành phố chỉ đạo đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành việc đầu tư công viên, vườn hoa theo dự án đã được phê duyệt. Trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành theo cam kết, thành phố sẽ thu hồi giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển sang hình thức đầu tư công.

Để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, quản lý công viên cây xanh, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đề xuất tập trung kêu gọi đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Công viên công cộng, công viên mở phục vụ nhân dân được xây dựng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giảm chi phí đầu tư và duy tu, duy trì, thực hiện bằng đầu tư công.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân, để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng các công viên chuyên đề, cần công khai các quy hoạch; đồng thời, thống kê phạm vi rộng hơn trên toàn thành phố để có bức tranh tổng thể về các công viên, vườn hoa cần đầu tư xây dựng, bởi đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa phát triển công viên, phân cấp mạnh cho địa phương quản lý, khai thác; đồng thời giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án; có giải pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với dự án chậm triển khai.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư chợ

Đánh giá về quản lý, đầu tư chợ trên địa bàn thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hoạt động của các chợ trên địa bàn đã mang lại việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, trong đó một số chợ kinh doanh tốt khi số người buôn bán trong chợ tăng so với trước. Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa được quan tâm đầy đủ nên việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa chưa đạt tiến độ đề ra. Nhiều hạng mục như hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, kết cấu công trình... ở các chợ đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Một số địa bàn ở địa phương chưa có chợ hoặc số chợ chưa đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, dẫn đến tình trạng phát sinh chợ cóc, chợ tạm, gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, theo quy định, thành phố chỉ đầu tư chợ đầu mối, còn lại phân cấp cho địa phương. Tiến độ xây dựng chợ theo quy hoạch còn chậm và hình thức đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, các chợ dân sinh tại các quận, huyện, thị xã có quy mô nhỏ nên rất khó khăn trong việc xã hội hóa vì thu không đủ chi. Sở kiến nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ dân sinh ở các địa phương. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Những địa phương gặp khó khăn về ngân sách đầu tư cần sớm báo cáo thành phố để có phương án tháo gỡ. Đối với các chợ loại 1, thành phố cần quy hoạch để nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng.

Trước tình hình chậm tiến độ đầu tư hệ thống chợ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành cùng với tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án cần đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý chợ, nhất là quản lý an toàn cháy nổ, trật tự an ninh, văn minh đô thị. Thành phố cần đặc biệt quan tâm đầu tư, quản lý, phát huy hiệu quả các chợ đầu mối nông sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dự án đầu tư chợ, cảng cạn; tăng cường quản lý hệ thống chợ trên toàn địa bàn bảo đảm phục vụ kinh tế, dân sinh; sớm hoàn thiện giá tính dịch vụ thuê địa điểm bán hàng để thu hút đầu tư; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm.../.

Tuyết Mai - Nguyễn Văn Cảnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục