Hà Nội thuộc nhóm có số sản phẩm OCOP cao nhất cả nước

16:35' - 13/11/2020
BNEWS Một số tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn…

Ngày 13/11, tại tỉnh Thái Nguyên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã chủ trì Hội nghị “Đánh giá chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 khu vực phía Bắc” với sự tham gia của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của Trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã ghi nhận những kết quả mà các tỉnh phía Bắc đã đạt được trong việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị trong thời gian tới, khu vực này cần tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, việc phát triển phải gắn với làng nghề và du lịch cộng đồng.

Trong năm 2021, yếu tố du lịch cộng đồng đối với sản phẩm OCOP sẽ đưa vào tiêu chí chấm điểm với sản phẩm OCOP cấp quốc gia (đạt 5 sao).

Ngoài ra, các sản phẩm OCOP phải hội tụ đủ 4 điều kiện cơ bản gồm: vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực tại địa phương, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và phải được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu các địa phương cần huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP.

Đồng thời, phải có sự giám sát chặt chẽ việc tiêu thụ các sản phẩm đạt OCOP, tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng mượn mác OCOP làm ảnh hưởng đến địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Đánh giá về kết quả triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, cùng sự đồng lòng tham gia, ủng hộ của các doanh nghiệp, hợp tác xã và đông đảo người dân.

Sự phù hợp về định hướng, tiếp cận của Chương trình OCOP trong việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm, phát huy được lợi thế, tiềm năng về điều kiện sản xuất, giá trị về sản phẩm được hình thành gắn với cộng đồng, người dân; thúc đẩy sự phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn, phù hợp với điều kiện sản xuất quy mô nhỏ, phân tán của các sản phẩm quy mô cấp huyện, xã, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc…

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, khu vực miền Bắc gồm các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng hiện đã có 22/25 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng chiếm 55,74% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước; trong đó, một số tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn…

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đã được các tỉnh khu vực phía Bắc ưu tiên, tập trung triển khai và mang lại những kết quả tích cực, trở thành khu vực triển khai Chương trình OCOP hiệu quả và đồng bộ nhất trong cả nước; trong đó, địa phương tiêu biểu đi đầu trong việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu là Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lào Cai…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: quá trình nhận thức và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa xác định rõ vai trò, vị trí của chương trình, dẫn đến việc triển khai còn chưa được quan tâm và thiếu bài bản.

Bộ máy tổ chức triển khai Chương trình còn chưa đồng bộ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ tham mưu, triển khai còn thiếu và yếu. Hiện vẫn thiếu các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm mới, thúc đẩy sản phẩm chế biến, ngành nghề truyền thống với lợi thế và tiềm năng của các địa phương.

Sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa được chủ động; sản phẩm OCOP đôi khi vẫn còn điểm yếu về việc áp dụng các quy định quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ; hoạt động xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận để đưa ra một định hướng thống nhất trong triển khai Chương trình OCOP khu vực phía Bắc giai đoạn 2021 - 2025 với quan điểm, Chương trình OCOP tiếp tục là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với đơn vị làng, xã để phát huy nội lực, sức sáng tạo, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng…

Nhiều giải pháp đã được các đại biểu phân tích sâu như phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.

Cùng đó, nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao quy trình - công nghệ sơ, chế biến; quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục