Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng 55 dự án, công trình trọng điểm

09:35' - 09/07/2018
BNEWS Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 55 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 486.991 tỷ đồng (gồm 27 dự án ngân sách và nguồn vốn ODA, 26 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP)...
Tiến độ các công trình trên địa bàn Hà Nội đã được đẩy nhanh và có chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục các công trình trọng điểm và các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội sẽ triển khai đầu tư xây dựng 55 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 486.991 tỷ đồng (bao gồm 27 dự án ngân sách và nguồn vốn ODA, 26 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa).

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, tiến độ các công trình trọng điểm đã được đẩy nhanh và có chuyển biến tích cực.

Các sở, ngành đã tham mưu cân đối bố trí vốn ở mức cao, đáp ứng nhu cầu; đồng thời, báo cáo UBND thành phố cho phép thực hiện cơ chế ứng vốn linh hoạt để khẩn trương giải phóng mặt bằng; thường xuyên đôn đốc tiến độ, kịp thời giải quyết hoặc báo cáo UBND thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư dự án.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai các công trình trọng điểm cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tiến độ chậm so với yêu cầu đề ra của thành phố.

Đặc biệt là giải phóng mặt bằng một số dự án còn vướng, như: các ga ngầm của 2 tuyến đường sắt, mở rộng đường Vành đai III, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II; tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì...

Bên cạnh đó, một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh dự án (Bệnh viện Nhi, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên - Khu liên cơ Võ Chí Công, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phụ sản, Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội)...

Đáng chú ý, các dự án PPP thủ tục còn chậm. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ; chậm hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc hồ sơ đề xuất dự án.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, nhất là đối với nhóm sử dụng vốn ngân sách và nguồn vốn ODA, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành và chủ đầu tư tập trung quyết liệt nhằm hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng.

Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND thành phố về tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm trên địa bàn; sớm bàn giao mặt bằng thi công, đặc biệt là các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Theo đó, các sở, ngành tham mưu cơ chế linh hoạt, ưu tiên bố trí đủ vốn, đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm.

Cũng theo chỉ đạo của thành phố, các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch tiến độ thi công, biện pháp thi công tối ưu cho từng dự án theo từng quý của năm 2018 và những năm tiếp theo; tập trung hoàn thành thủ tục quyết toán dự án hoàn thành; đôn đốc, giám sát chặt chẽ các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án theo kế hoạch tiến độ chi tiết đã xây dựng.

Các chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ giải ngân kế hoạch vốn năm 2017 kéo dài và kế hoạch vốn năm 2018 đã giao; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án (chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế...).

Đối với nhóm dự án đầu tư theo hình thức PPP và xã hội hóa, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện rà soát tổng thể, xác định quỹ đất đủ điều kiện làm quỹ đất thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT; trong đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất thanh toán cho các dự án BT trọng điểm; đồng thời, yêu cầu các đơn vị khẩn trương lập, trình thẩm định hoặc hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

UBND thành phố yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện; trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần chủ động báo cáo để kịp thời chỉ đạo giải quyết./.

Xem thêm:

>>>Hà Nội điều chỉnh, bổ sung một số dự án công trình trọng điểm

>>>Hà Nội xây dựng nhiều công trình đảm bảo điện mùa hè 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục