Hà Nội với hiệu quả “một đồng phòng dịch”

18:26' - 21/09/2021
BNEWS Đường phố trở nên nhộn nhịp hơn khi việc phân vùng dịch cũng như giấy đi đường bị bãi bỏ và nhiều cơ sở kinh doanh – dịch vụ hoạt động trở lại.

Ngày 21/9 là ngày đầu Hà Nội áp dụng Chỉ thị 22/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại Thủ đô theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (có một số biện pháp tăng cường).

Đường phố trở nên nhộn nhịp hơn khi việc phân vùng dịch cũng như giấy đi đường bị bãi bỏ và nhiều cơ sở kinh doanh – dịch vụ hoạt động trở lại. Điều này được người dân Thủ đô mong chờ sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố (kể từ sáng 24/7) theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND Hà Nội, dựa trên nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều này là thành quả không mệt mỏi suốt hai tháng qua của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân thành phố Hà Nội trong việc phòng, chống dịch theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ: "Vận động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra”.

* Hà Nội đã làm được gì?

Tại buổi Giao ban báo chí vào sáng 21/9 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 18 giờ ngày 20/9), thành phố ghi nhận 4.193 ca mắc COVID-19, trong đó 1.312 ca ngoài cộng đồng; 1.857 ca trong khu cách ly; 762 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện; 49 ca nhập cảnh.

Còn theo thông tin mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 20/9 đến 6 giờ ngày 21/9, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại khu cách ly tập trung, là ca nhiễm ở quận Long Biên và thuộc chùm ca bệnh trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội đã qua 4 đợt giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTG từ ngày 24/7. Số ca mắc trung bình mỗi ngày trong đợt giãn cách thứ 4 giảm rất mạnh, còn 27,6 ca, so với số ca mắc trung bình hằng ngày của đợt 1 là 71,2 ca, đợt 2 là 56,8 ca, đợt 3 là 71,1 ca. Hiện tại, thành phố còn 46 điểm nhỏ đang được phong tỏa. Các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao đã dần được kiểm soát thông qua các biện pháp cách ly và phong tỏa diện rộng.

Từ ngày 8/9, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại tất cả các quận, huyện, thị xã và các điểm tiêm chủng cố định, lưu động được đặt tại bệnh viện, trường học, phòng khám tư nhân, nhà văn hóa...

Hà Nội đặc biệt ưu tiên vaccine cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng. Nhờ Bộ Y tế đã phân bổ vaccine kịp thời và sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự ủng hộ của người dân, bình quân mỗi ngày có 420.000 - 550.000 mũi vaccine được tiêm; ngày cao điểm nhất có 606.000 mũi được tiêm.

Tính đến ngày 18/9, Hà Nội đã tiêm 6.432.921 liều vaccine, trong đó có 5.671.487 mũi 1 (đạt 94% số người trong độ tuổi tiêm chủng - từ 18 tuổi trở lên, đạt 68,33% tổng dân số) và 786.095 mũi 2 (đạt 12% số người trong độ tuổi tiêm chủng, đạt 9,2% dân số).

Thành phố đang cố gắng đảm bảo tiến độ tiêm vaccine mũi 2 để Thủ đô sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Hà Nội có kế hoạch yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các trường học đánh giá các tiêu chí an toàn để thí điểm triển khai việc dạy và học trực tiếp tại một số địa bàn được coi là an toàn.

* Vì sao phải xét nghiệm rộng?

Ngày 8/9/2021 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký Kế hoạch số 206/KH-UBN về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian “vàng” trong thời gian giãn cách xã hội để thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 06/9/2021.

Đến ngày 15/9 thành phố phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần) tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần) tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác; xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và theo hướng dẫn tại Công điện số 1305/CĐ- BYT ngày 02/9/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.

Tính đến sáng 17/9, với việc huy động toàn bộ lực lượng y tế trong và ngoài công lập ở Thủ đô, với sự vào cuộc của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... cùng sự hỗ trợ của 12 tỉnh phía Bắc thì Hà Nội đã lấy được gần 4,26 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện 21 ca dương tính. Điều này chứng tỏ tỷ lệ F0 “trôi nổi” trong cộng đồng ở Hà Nội thấp, đặc biệt là so với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác ở phía Nam.

Tuy nhiên, thay vì ghi nhận thành quả phòng dịch từ xa của chính quyền Thủ đô thì có một số ý kiến cho rằng xét nghiệm diện rộng ở Hà Nội là quá tốn kém, quá lãng phí và có thể “vì một mục đích khác ngoài động cơ chống dịch”.

Những ý kiến này không hợp lý bởi lẽ con số 21 ca trên 4,26 triệu mẫu chỉ có thể có được sau khi có kết quả xét nghiệm diện rộng. Còn khi đã có trong tay bức tranh toàn cảnh thì Hà Nội có thể điều chỉnh quy mô xét nghiệm, tập trung hơn vào các “điểm đỏ”, khu vực có nguy cơ cao nhất.

Trước đó, khó ai nhận định rõ ràng được bức tranh dịch tễ của Hà Nội đang mang màu sắc gì, phần chìm của tảng băng trôi lớn, nhỏ ra sao, nhất là khi nhiều ca mắc COVID-19 không có biểu hiện hay biểu hiện rất nhẹ, đến bản thân người bệnh cũng không nghĩ mình là F0.

Với đặc thù của biến thể Delta là dễ lây, lây lan mạnh trong thời gian ngắn, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, mỗi F0 có thể truyền virus cho nhiều người, rồi mỗi người trong số đó lại truyền bệnh tiếp cho nhiều người khác nữa. Cứ thế, từ 21 ca bệnh được “chỉ điểm” ban đầu, với tốc độ lây lan như vậy thì số người mắc COVID-19 có nguy cơ tăng gấp bội...

Rõ ràng, xét nghiệm để tầm soát, phát hiện sớm F0, kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là biện pháp cần thiết. Một đồng phòng dịch hiệu quả sẽ đỡ tốn nhiều triệu đồng cho việc truy vết, cách ly, điều trị các ca F0 trôi nổi trong cộng đồng. Chưa kể, tính mạng con người là vô giá, khi bệnh nhân COVID-19 nặng còn đứng trước nguy cơ tử vong.

Việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm tầm soát trên diện rộng thần tốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, để giảm thời gian giãn cách xuống thì phải tầm soát, phát hiện bằng được các ca bệnh trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để, từ đó nới lỏng dần dần việc giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Do đó, vấn đề xét nghiệm là rất quan trọng. Bộ trưởng cho biết: “Bài học kinh nghiệm của các nước và bài học kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, Quận 7, huyện Củ Chi của Thành phố Hồ Chí Minh hay Khánh Hòa… Đó là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phải bóc tách toàn bộ F0, không để lây lan trong cộng đồng.”

Mặt khác, phát hiện các ca F0 không phải là mục đích duy nhất của việc xét nghiệm diện rộng. Việc làm này còn có ý nghĩa lớn hơn, tổng quát hơn.

Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Hùng Phong, một nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Liên bang Nga, đã đăng bức thư ngỏ để góp ý cho Bộ Y tế về cách thức chống dịch, trong đó có việc xét nghiệm diện rộng. Ông nêu rõ: Cần đánh giá đúng tình hình dịch bệnh thông qua việc tiến hành test đại trà.

Việc test đại trà ở các nước là để nắm rõ bức tranh lây nhiễm trong cộng đồng và từ đó có các chính sách, phương án chống dịch: điều tiết việc tăng giảm mức độ giãn cách xã hội, tăng cường thêm bệnh viện, số giường bệnh nếu cần thiết, tiến hành các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho doanh nghiệp và các đối tượng người dân…

Việc Hà Nội tiến hành xét nghiệm toàn dân ngoài việc tìm ra F0 còn là để “nắm rõ bức tranh lây nhiễm trong cộng đồng”, điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã từng làm.

Tại buổi Giao ban báo chí vào sáng 21/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo việc sàng lọc bằng xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao theo đúng Công điện 1305 của Bộ Y tế; thực hiện công tác xét nghiệm, sàng lọc đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao như chuỗi cung ứng, người giao hàng...;

Phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo nguyên tắc "bảo vệ vững chắc vùng xanh", "xanh hóa vùng vàng", "thu hẹp vùng đỏ"; tiếp tục rà soát tiêm vét mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ trên 18 tuổi trở lên chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 trên cơ sở số vaccine được phân, giao của Bộ Y tế”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với cách làm của chính quyền Thủ đô: “Hà Nội đang triển khai đợt cao điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng tại 30 quận, huyện, thị xã. Đây là biện pháp hoàn toàn hợp lý ở thời điểm này để giúp đánh giá nguy cơ và đưa ra các giải pháp chống dịch hợp lý nhất.

* Lạc quan nhưng không chủ quan

Ngày 21/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, quan điểm của Hà Nội là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trên tinh thần luôn cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, kể cả các ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Thời gian qua, với nhiều luồng thông tin, qua trao đổi của các nhà khoa học, giới doanh nghiệp, nhân dân, các cơ quan báo chí, Hà Nội đã có tiếp thu, tuy nhiên phải kiên định nguyên tắc, bảo đảm mục tiêu đã đặt ra và công việc đã làm, có kết quả; dựa vào người dân và hệ thống chính trị, trong đó sự vào cuộc của người dân mang tính quyết định.

Bên cạnh đó, quan điểm của lãnh đạo thành phố Hà Nội là phải chuẩn bị trước một bước so với diễn biến tình hình dịch.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân Thủ đô không được chủ quan với những thành quả đạt được trong công  tác chống dịch thời gian qua. Hà Nội chưa thể an toàn khi cả nước chưa an toàn với đại dịch COVID-19. Theo ông, Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch trở lại, bởi hiện nay vẫn còn F0 trong cộng đồng. Lãnh đạo thành phố xác định phải chủ động chung sống một cách an toàn với việc có F0 trong cộng đồng.

Hà Nội không thể đóng chặt cửa ngõ bởi thành phố là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước. Trong khi đó, nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào Hà Nội là rất cao. Chính vì vậy, thành phố vẫn tiếp tục duy trì 22 chốt ở cửa ngõ Thủ đô và 33 chốt ở khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Theo quy định của Bộ Y tế, Hà Nội chưa đạt được tiêu chí để trở lại trạng thái “bình thường mới”, theo đó phải ít nhất tiêm phủ 70% mũi 1 và 20% mũi 2. Trong khi đó, Thủ đô mới đạt 12% số người trong diện được tiêm mũi 2.

Vì vậy, lãnh đạo thành phố xác định phải thận trọng, tính toán các bước đi. Bên cạnh đó, Hà Nội không thể chống dịch một mình nên cần có sự tham khảo kinh nghiệm của thế giới cũng như của các tỉnh, thành phố trong cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục