Hà Nội xây dựng 5 vùng chuyên canh sản xuất giống bò thịt

19:12' - 04/11/2016
BNEWS Hà Nội lên kế hoạch xây dựng nhiều vùng chuyên canh sản xuất các vùng chuyên canh nuôi bò thịt trong giai đoạn 2017 -2020.
Hà Nội mở rộng các vùng nuôi bò thịt. Ảnh TTXVN

Mặc dù Hà Nội là thị trường tiêu thụ gần 100.000 tấn thịt bò mỗi năm nhưng ngành chăn nuôi mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu, lượng còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nước ngoài.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2020, Hà Nội phát triển đàn bò thịt có quy mô khoảng 125.000-130.000 con, sản lượng thịt xuất chuồng khoảng 11.000 tấn, tăng số lượng đàn bò thịt khoảng 3% ở vùng trọng điểm.

Thông tin trên được cho biết tại Hội thảo "Giải pháp phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn thành phố Hà Nội" nhằm tìm hướng phát triển đàn bò thịt đáp ứng yêu cầu thị trường" ngày 4/11.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo lên 70% vào năm 2017 và đạt 80% vào năm 2020. Đặc biệt, Hà Nội xây dựng 5 vùng chuyên canh sản xuất giống bò thịt gồm Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Mỹ Đức và Chương Mỹ.

3 vùng chuyên canh sản xuất thịt gồm Ba Vì, Gia Lâm và Phúc Thọ; cùng 5 - 10 trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao có quy mô từ 100 con trở lên. Đồng thời xây dựng thành công 1 chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm thịt bò.
Trong giai đoạn 2010-2016, Hà Nội đã có chính sách phát triển chăn nuôi bò thịt bằng các giống lai Sind, Brahman, Drouhtmaster, Angus và BBB thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo, góp phần cải tiến nâng cao năng suất chất lượng đàn bò thịt, cũng như tăng thu nhập cho người chăn nuôi từ 170-210 tỷ đồng/năm.
Theo đó, người chăn nuôi có thể thu được từ bán bò thịt tăng từ 3-5 triệu đồng/con, bán bò giống tăng từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/con. Đặc biệt, chương trình này tạo việc làm cho lực lượng dẫn tinh viên làm thụ tinh nhân tạo bò với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng, thậm chí có dẫn tinh viên có thu nhập từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt mới đạt hơn 61,2%, còn thấp so với yêu cầu sản xuất. Nguyên nhân là do một số địa phương còn tập quán chăn nuôi lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tiếp cận, nhận thức rõ lợi ích của việc nâng cao chất lượng giống bò.

Ngoài ra, do chăn nuôi bò thịt quy mô không lớn nên chưa liên kết chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm thịt bò ổn định, chất lượng thịt bò còn thấp, chưa hình thành được vùng sản xuất giống chuyên canh tập trung.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục