Hà Nội: Xóa điểm đen ùn tắc - Hiệu quả từ các giải pháp

17:11' - 28/09/2023
BNEWS Theo số liệu của ngành chức năng, hiện Thủ đô Hà Nội có 7,9 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 1,1 triệu ô tô và và 6,6 triệu xe máy, 0,2 triệu xe điện.

Tốc độ tăng trưởng bình quân đối với ô tô trên 10%/ năm, còn đối với xe máy là 3%/ năm. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên đất đô thị đạt khoảng 10,3% (theo quy hoạch được phê duyệt là từ 20 - 26%), tỷ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 2,48%/năm.

Sự bất cập trên cùng với ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế khiến tình  hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các dịp lễ, tết.

Cầu vượt trên đường Nguyễn Trãi phát huy tác dụng đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông Ảnh: Minh Nghĩa – TTXVN

*Căng thẳng dịp lễ, tết

Người dân Thủ đô dường như đã quá quen thuộc với điệp khúc “tắc đường, kẹt xe” vào các dịp lễ, tết như 30/4. 2/9 hay Tết Nguyên đán, khi nhà nhà, người người đổ ra đường để về quê hay đi du lịch khiến lưu lượng phương tiện trên mọi nẻo đường, đặc biệt là các trục cửa ngõ ra, vào thành phố tăng đột biến.

Gần đây nhất là dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, sự lo xa "về từ đêm cho vắng" cũng không giúp những người di chuyển vào - ra khỏi Thủ đô thoát khỏi cảnh ùn tắc. Điệp khúc “ùn tắc” tái diễn, điển hình như ngày cao điểm 31/8, từ cuối giờ chiều, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhiều tuyến đường vành đai, cửa ngõ tại Hà Nội kẹt cứng xe cộ. Căng thẳng nhất là các tuyến đường: Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Giải Phóng, Ngọc Hồi, quốc lộ 1A, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Giải Phóng...

Trong số đó, lượng phương tiện dồn về cửa ngõ phía Nam, nơi có tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khá đông, khiến các tuyến đường khu vực này ùn ứ nặng. Lượng người và phương tiện tại khu vực bến xe Giáp Bát tăng cao, có lúc xảy ra ùn đến 3 hàng xe trong thời gian ngắn tại khu vực qua bến xe. Tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đường Cổ Linh theo hướng đi cầu Thanh Trì, Ecopark,  đường Vành đai 3 trên cao (đoạn từ Phạm Hùng đến Ngọc Hồi, Giải Phóng), lượng phương tiện tăng cao đột biến, xảy ra ùn ứ giao thông cả hai chiều đường, các phương tiện di chuyển rất chậm.

Thanh tra Sở đã chỉ đạo các đội Thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp với các đội Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố và các lực lượng chức năng để phân luồng, hướng dẫn các phương tiện di chuyển theo hướng khác Sáng ngày 1/9, tình trạng ùn ứ cục bộ khiến dòng phương tiện phải di chuyển chậm trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn qua nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển hay trên đường Ngọc Hồi hướng đi Quốc lộ 1A. Tại các ngày cao điểm các lực lượng chức năng đã phải tập trung lực lượng, căng mình phân làn, điều tiết giao thông.

Để khắc phục các điểm nóng ùn tắc giao thông, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp điều chỉnh, phân luồng giao thông tại các tuyến đường, nút giao thông, như: nút giao Mai Dịch, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, đường Trịnh Văn Bô, nút giao Lê Trọng Tấn – Quang Trung – Văn Khê, nút giao cầu Định Công, tuyến đường Long Biên 1, đường Quốc Tử Giám, Huỳnh Tấn Phát – Cổ Linh, Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, nút giao  Chùa Bộc – Học Viện Ngân hàng, đường Quốc Tử Giám, nút giao Cổ Linh – Đàm Quang Trung… 

Nhiều biện pháp tổ chức giao thông tại đây đã phát huy hiệu quả góp phần giảm ùn tắc giao thông. Điển hình như nút giao Mai Dịch, Khuất Duy Tiến giảm ùn tắc từ lỗ lực điều chỉnh, phân luồng giao thông. Cụ thể, để khắc phục đoạn rào chắn thi công dự án nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Trãi, Sở Giao thông Vận tải đã phân luồng, điều tiết phương tiện đi thẳng và rẽ trái xuống hầm chui, giảm thiểu sự xung đột tại Ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi.

Còn tại nút giao Mai Dịch, Sở Giao thông Vận tải thực hiện phân luồng cấm xe tải trên 2,5 tấn và xe khách trên 9 chỗ lưu thông qua nút từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày, cấm ô tô tải, ô tô khách từ 9 chỗ trở lên lưu thông qua phạm vi rào chắn hai bên đường Phạm Hùng, tình hình giao thông tại nút đã cơ bản được cải thiện, ùn tắc giảm đáng kể.

 

*6 nhóm giải pháp

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, Sở đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: Nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng. Tuy nhiên, thực tế thì ùn tắc ở Hà Nội đang ở trạng thái, xoá chỗ này, chỗ khác lại xuất hiện…

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội trong việc phát triển hệ thống giao thông vận tải và giải quyết ùn tắc giao thông, tập trung vào 6 nhóm giải pháp. Cụ thể, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long, các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.

Song song với duy tu, bảo trì hư hỏng hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng tổ chức giao thông khoa học, hợp lý phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có như điều chỉnh chu kỳ đèn tại nút giao, xén mở rộng tối đa mặt đường, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút… Đây là giải pháp thực hiện thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực, nhanh chóng.

Thành phố cũng ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; cải thiện mạng lưới tuyến buýt; thực hiện chuyển đổi xanh từng bước đưa xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào khai thác theo lộ trình; tăng mức độ bao phủ của điểm dừng để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m.

Nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông là nhóm giải pháp mang tính đột phá, Hà Nội ưu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh, trung tâm điều hành giao thông thông minh, hệ thống thẻ vé điện tử liên thông với các ứng dụng thuận tiện cho người dân.

Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nồng độ cồn, ma túy; các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ...; các vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa không đảm bảo an toàn giao thông, gây ùn tắc giao thông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục