Hà Nội yêu cầu hoàn thành di dời người dân ra khỏi 6 nhà chung cư cũ

14:34' - 07/01/2022
BNEWS 6 nhà nguy hiểm cấp D gồm: Nhà C8 Giảng Võ; G6A Thành Công; nhà A Ngọc Khánh; Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi); nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.

Để đảm bảo tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, trước mắt là 6 khu chung cư đã được kiểm định nguy hiểm ở cấp D trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu quận Đống Đa và Ba Đình phải hoàn thành di dời người dân trong quý I/2022.
Cụ thể, 6 nhà nguy hiểm cấp D gồm: Nhà C8 Giảng Võ; G6A Thành Công; nhà A Ngọc Khánh; Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi); nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.

Cùng với việc chỉ đạo khẩn trương di dời các hộ dân, thành phố giao trách nhiệm cho UBND quận Ba Đình, UBND quận Đống Đa đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời trong quý 3/2022; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại trình thành phố trong quý 4/2022;

Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư trong quý 1/2023. Đồng thời, chủ đầu tư sau khi được chọn phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, lập phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng,... hoàn thành trong quý II/2023.
Theo kế hoạch của thành phố, trong quý III/2023 phải thực hiện xong việc phá dỡ với nhà nguy hiểm cấp D; các nhà còn lại tiến độ cụ thể trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ quý 3/2023.

 

Đối với nhà 148 - 150 Sơn Tây, UBND quận Ba Đình di dời dân, lựa chọn chủ đầu tư, bố trí chỗ ở tạm thời... báo cáo thành phố trong quý 1/2022; thời gian phá dỡ chung cư hoàn thành trong quý 3/2022.
Bên cạnh đó, thành phố dự kiến sử dụng các quỹ nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng 4.433 căn hộ; đồng thời có kế hoạch xây dựng các khu định cư mới tại các khu di dân Đền Lừ 3, khu Đông Hội (huyện Đông Anh)...

Nguồn vốn huy động từ 3 nguồn, gồm: vốn xã hội hóa với trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận với doanh nghiệp bất động sản lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; nguồn vốn đầu tư công; nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố cho các chủ đầu tư vay để triển khai…
Trường hợp Nhà nước trực tiếp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư và đầu tư xây dựng quỹ nhà tạm cư, nhu cầu vốn đầu tư công khoảng 65.360 tỷ đồng gồm khoảng 60.500 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp; khoảng 4.860 tỉ đồng để xây dựng 5 dự án tạm cư tại quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ, huyện Đông Anh.
Mới đây, Hà Nội đã ban hành Đề án đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhiều phần việc cụ thể như hoàn thành kiểm định chung cư cũ trước quý III/2023; lập Tổ công tác chọn chủ đầu tư; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500…
Theo đó, thành phố xác định định hướng giải pháp quy hoạch đối với 3 mô hình cấp độ như: Lập đồ án quy hoạch chi tiết với khu chung cư cũ quy mô từ 2ha; lập tổng mặt bằng với nhóm chung cư cũ quy mô nhỏ hơn 2ha; lập tổng mặt bằng và thực hiện đề án quy gom đối với nhà chung cư cũ độc lập, đơn lẻ để tái định cư tại chỗ.

Dự kiến hoàn thành lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong quý IV/2023.
Về tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố, thành phố dự kiến quy định 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn; nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Với việc xây dựng các kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, UBND thành phố Hà Nội phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và cơ quan liên quan theo nguyên tắc "5 rõ", có lộ trình, tiến độ triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954.

Hiện tại, Sở đang tiếp tục rà soát, dự kiến bổ sung thêm khoảng 200- 300 nhà). Đáng chú ý, qua kiểm định 401 chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm, có 148 chung cư cấp độ B; 245 chung cư cấp độ C. Đáng nói, có 8 nhà chung cư cấp độ D nhưng đến nay chỉ có 2 nhà được hoàn thành cải tạo, xây dựng lại là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ.
Qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; việc sửa chữa cơi nới dẫn đến biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Hạ tầng của nhiều khu không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa qua, việc sử dụng chung công trình phụ trợ không đủ điều kiện tại nhà chung cư cũ là nguyên nhân dẫn tới việc lây nhiễm dịch bệnh cao trong cộng đồng.
Mặc dù xác định việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ lớn, cấp thiết, khó khăn, phức tạp nhưng UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, sau nhiều năm triển khai kết quả thực hiện còn rất hạn chế do những nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Đến nay, Hà Nội mới có 19 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ), 14 dự án đang triển khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục