Hà Tĩnh không để người dân đói, rét do mưa lũ

08:40' - 16/10/2016
BNEWS Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên lượng nước trên thượng nguồn đổ về càng lớn và cùng với việc xã lũ các hồ thủy điện, đập nước nên gây ra lũ lụt đối với các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang.
Nhiều nhà dân trên địa bàn huyện Hương Khê ngập sâu trong nước. Ảnh: TTXVN

Ngay sau khi đi kiểm tra tình hình lũ lụt tại huyện Hương Khê là địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, dù nước lũ chia cắt và cô lập nhân dân nhiều địa phương, nhưng các cấp chính quyền và lực lượng chức năng không để cho người dân phải chịu đói, chịu rét, và bị bệnh tật, nhất là đối với gia đình nhà nghèo, gia đình chính sách.

Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên lượng nước trên thượng nguồn đổ về càng lớn và cùng với việc xã lũ các hồ thủy điện, đập nước nên gây ra lũ lụt đối với các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Ngoài ra, các huyện vùng đồng bằng Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà nước cũng bị cô lập nhiều vùng quê và làm thiệt hại về con người và tài sản.

Trước tình hình này, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất và phân công từng tổ công tác về các địa phương chỉ đạo chính quyền, lực lượng cứu hộ cứu nạn tại chỗ; triển khai các biện pháp hỗ trợ cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân vùng bị cô lập.

Ngay sau khi có mặt tại huyện Hương Khê, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cùng với lực lượng tìm kiếm cứu nạn đi xuồng máy xuống thị sát trực tiếp tại địa bàn xã Lộc Yên, Gia Phố địa phương bị cô lập do nước lũ dâng cao, cấp lương thực, mì tôm, nước uống cho nhân dân bị ngập lụt vùng này và động viên bà con nhân dân vượt qua khó khăn trước mắt.

Ông Đặng Quốc Khánh cho biết, tình hình mưa lũ rất phức tạp trong lúc đang có bão ở biển Đông nên ông đã yêu cầu các lực lượng chức năng quân sự, công an, biên phòng, các sở ngành và địa phương hỗ trợ, giúp đỡ bà con để khắc phục ổn định đời sống; đảm bảo người dân, đặc biệt là hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, không để nhân dân bị đói, rét, ốm đau bệnh tật liên quan đến lụt. Khi nước xuống phải bảo đảm ngay việc bảo vệ môi trường.

Tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê chính quyền địa phương đã kịp thời di dời người dân đến chỗ cao ráo, đến trú tại hội trường các thôn xóm. Hoặc ở các trường học, người dân tổ chức nấu ăn tập thể và sinh hoạt bình thường đảm bảo lương thực, nước uống ở những điểm tập trung đông người dân.

Ông Võ Văn Lê, Phó Chủ tịch xã Phúc Đồng cho biết, cơn lũ kéo đến rất nhanh, nhưng địa phương đã chủ động, phân công và tổ chức các đoàn về thôn xóm tiến hành tuyên truyền di dời hàng trăm hộ dân đến chỗ cao ráo.

Hiện nay, chính quyền cung cấp lương thực, nước cho người dân đi tránh lũ đầy đủ đảm bảo cho sinh hoạt năm ngày khi tránh lũ.

Mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt ở 93 xã trên địa bàn 9 huyện, thành phố nhất là các huyện miền núi. Mưa lũ đã làm ngập trên 24.000 hộ dân; trong đó, huyện Hương Khê địa phương có số xã bị ngập nhiều nhất là 16 xã với 10.357 hộ. Tiếp đó là huyện Cẩm Xuyên với 20 xã với trên 7.200 hộ dân.

Huyện Thạch Hà, Can Lộc có 34 xã với gần 5.000 hộ và rất nhiều địa phương khác hàng ngàn hộ dân đang trong tình trạng cần giúp đỡ của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương khi mà lương thực, nước uống đã dần vơi.

Công tác cứu hộ, cứu nạn cũng gặp rất nhiều khó khăn khi địa bàn chia cắt, nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc như Quốc lộ 15B; Quốc lộ 15. Các tuyến đường liên huyện nhiều đoạn nước ngập sâu không thể qua được phải dùng đò, xuồng máy mới qua được.

Mưa lũ đã làm thiệt hại lớn cho các địa phương tỉnh Hà Tĩnh đã có 3 người chết và mất tích trong lũ. Không chỉ nhà cửa làng mạc bị ngập sâu và hư hại mà hàng trăm héc ta hoa màu, cây vụ đông cũng bị ngập và hư hỏng.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã có 723ha lúa bị ngập và hư hỏng, gần 1.500 ha hoa màu bị ngập, 700 cây ăn quả và đào cảnh bị úng nước.

Nhiều gia đình không kịp kê cao lượng thực nên có 12 tấn lương thực bị ngập và không sử dụng được, hơn 99.000 con gia cầm bị chết, nước cuốn trôi, hàng ngàn con gia súc, trâu bò, lợn bị chết.

Cùng với việc thiệt hại về nông nghiệp thì các công trình giao thông, thủy lợi cũng bị hư hại nghiêm trọng do mưa lũ, lượng đất đá bị sạt lở 3.170 m3; 16 cầu cống bị xói lở, hư hỏng và gần 200 tấn vật tư thi công đường bị hư hỏng, nước cuốn trôi.

Tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền khẩn trương khắc phục hỗ trợ nhân dân vùng bị ngập lụt của 9 huyện, thành phố, không để nhân dân đói, rét.

Bên cạnh đó có các phương án bảo vệ hồ đập, hệ thống đê điều và chuẩn bị phương án bốn tại chỗ kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra./.

>>> Thông tin mới nhất về thiệt hại của ngành đường sắt do mưa lũ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục