Hạ viện Mỹ gỡ nút thắt quan trọng cho các dự án chip nội địa

12:32' - 24/09/2024
BNEWS Hạ viện Mỹ đã phê duyệt luật cho phép một số dự án sản xuất chất bán dẫn không cần xin cấp phép từ liên bang nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng các nhà máy sản xuất chip trong nước.

Hạ viện Mỹ đã phê duyệt luật cho phép một số dự án sản xuất chất bán dẫn không cần xin cấp phép từ liên bang, giải quyết những lo ngại rằng các đợt đánh giá tác động môi trường và kiện tụng sẽ làm chậm quá trình xây dựng các nhà máy sản xuất chip trong nước.

 

Dự luật hiện đang được chuyển đến Tổng thống Joe Biden để chờ thông qua.

Mục tiêu của dự luật là đẩy nhanh quá trình xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Các công ty sản xuất chip đã cam kết đầu tư khoảng 400 tỷ USD vào các nhà máy trên đất Mỹ — được thúc đẩy bởi các ưu đãi từ Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022. Theo kế hoạch, các công ty như Intel Corp. và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) chuẩn bị nhận được hàng tỷ USD từ đạo luật này.

Song những khoản đầu tư đó sẽ khiến các địa điểm xây dựng chất bán dẫn phải chịu xem xét theo Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA). Từ lâu, các doanh nghiệp trong ngành đã lo ngại rằng quá trình xem xét NEPA có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm, khiến việc xây dựng chậm trễ cũng như mở ra khả năng các dự án chịu kiện tụng.

Yêu cầu trên sẽ được nới lỏng theo luật mới được thông qua vào ngày 23/9. Dự luật nêu rõ ba cách để các dự án được tài trợ theo Đạo luật CHIPS và Khoa học đủ điều kiện được miễn trừ đánh giá NEPA.

Cách đầu tiên là việc khởi công xây dựng diễn ra trước cuối năm nay – điều này hầu hết các địa điểm lớn đều có thể đáp ứng được. Một ngoại lệ là dự án của Micron Technology Inc. tại New York. Nhà sản xuất chip này vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu cấp phép theo Đạo luật Nước sạch và nhiều điều khoản cấp tiểu bang khác nhau.

Thứ hai, các dự án chỉ nhận được các khoản vay — chứ không phải tài trợ trực tiếp — sẽ không phải trải qua quá trình đánh giá NEPA. Cuối cùng, các cơ sở sẽ được miễn trừ đánh giá NEPA nếu khoản tài trợ của họ chiếm ít hơn 10% tổng chi phí dự án, giảm từ 15% trong phiên bản trước đó.

Cuộc bỏ phiếu hôm 23/9 diễn ra sau hơn một năm tranh cãi của Quốc hội về luật được đề xuất. Các nhóm hoạt động vì môi trường đã cảnh báo không nên cho phép các nhà sản xuất chip bỏ qua quy trình đánh giá NEPA, viện dẫn lượng khí thải ngày càng tăng và tác động môi trường trên diện rộng của ngành.

Đây là một ví dụ về những căng thẳng tồn tại trong chính sách thúc đẩy công nghiệp của Tổng thống Biden. Một mặt, các quan chức ở Washington muốn thấy các nhà máy sản xuất chip được xây dựng càng nhanh càng tốt nhằm giảm sự phụ thuộc vào châu Á. Mặt khác, Nhà Trắng đã vạch ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và việc xây dựng những nhà máy bán dẫn có thể khiến các mục tiêu đó trở nên xa vời hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục