Hải Dương: Cơ giới hoá trong làm đất và thu hoạch đạt trên 90%

21:27' - 17/10/2020
BNEWS Phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa ở Hải Dương được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả cho những vùng sản xuất lúa hàng hóa.

Những năm gần đây, nông nghiệp ở Hải Dương đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được nâng cao. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả vượt trội. Năng suất và chất lượng nông sản từng bước được nâng lên.

Các vùng sản xuất tập trung cho năng suất cao

Huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương được xem là một trong những lá cờ đầu của nông nghiệp Hải Dương về quy hoạch vùng tập trung, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Vụ mùa năm 2020, toàn huyện gieo cấy trên 6.000 ha lúa.

Ông Trần Văn Chuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bình Giang cho biết, diện tích lúa Bắc thơm của huyện trên 3.000 ha, chiếm khoảng 50% diện tích. Tính chung toàn huyện, khoảng 85% diện tích lúa chất lượng của huyện là Bắc thơm và nếp.

Cũng theo ông Chuyên, nhờ quy vùng sản xuất, việc ứng dụng cơ giới hóa ở Bình Giang rất thuận lợi. Vụ mùa năm 2020, Bình Giang có hơn 1.000 ha lúa được cấy máy. Qua đối chứng cho thấy, năng suất vùng cấy máy vượt trội so với cấy thường từ khoảng 15-20%. Năng suất vụ mùa năm 2019 chỉ 58-59 tạ/ha nhưng vụ mùa năm nay ước khoảng 63 tạ/ha.

Phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa ở Hải Dương được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả cho những vùng sản xuất lúa hàng hóa.

Hiện nay ở Hải Dương, cơ giới hóa trong làm đất đạt 98%, khâu thu hoạch đạt 90%. Năm 2020, tỉnh Hải Dương đã triển khai Đề án “Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020 – 2025” với nhiều biện pháp khuyến khích để tăng diện tích cấy máy.

Vụ Mùa năm 2020, năm đầu tiên triển khai Đề án này, năng suất lúa các vùng cấy máy có nơi ước đạt 70 tạ/ha, góp phần đưa năng suất lúa Mùa của tỉnh năm 2020 đạt cao hiếm có trong nhiều năm trở lại đây, khoảng 63 -64 tạ/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ cho các địa phương xây dựng và duy trì được 517 vùng lúa hàng hóa tập trung, quy mô tối thiểu 30 ha/vùng, gieo cấy “1 vùng, 1 giống, 1 thời gian” gắn với bao tiêu sản phẩm, tập trung phát triển tại một số huyện có truyền thống sản xuất lúa chất lượng cao, như: huyện Bình Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng… Năng suất lúa tại các mô hình sản xuất tập trung cao hơn so với ngoài vùng từ 5-7%.

Cùng với lúa, việc quy vùng sản xuất rau màu đã và đang được triển khai mạnh ở nhiều địa phương. Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, giai đoạn 2015 – 2020, Thanh Miện đã chuyển đổi được trên 726 ha lúa sang trồng rau màu tập trung, như vùng trồng rau màu ở các xã Lam Sơn, Phạm Kha và trồng cây ăn quả ở xã Hồng Phong...

Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương đã duy trì và mở rộng các vùng sản xuất tập trung cây rau màu truyền thống, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như: Vùng hành, tỏi ở Kinh Môn, Nam Sách; củ đậu ở Kim Thành, Kinh Môn; cà rốt ở Cẩm Giàng, Nam Sách, Tứ Kỳ; xu hào, cải bắp, súp lơ ở Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện...

Theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hiện toàn tỉnh Hải Dương có gần 500 ha cây rau màu tập trung đạt quy mô tối thiểu 5 ha/vùng, xây dựng được 109 vùng sản xuất trái cây, qui mô 10 ha/vùng.

Các mô hình sản xuất được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ đã hạn chế tình trạng nông sản bị ép giá, khó tiêu thụ ở giai đoạn chính vụ, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hải Dương đang hình thành và phát triển tập trung theo hướng tập trung, mô hình trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp, gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm… tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có 15 khu chăn nuôi hàng hóa xa khu dân cư với quy mô từ 3 ha trở lên, 32 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô từ 20 ha trở lên, sản xuất thâm canh cho năng suất, chất lượng cao.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hải Dương đẩy mạnh sản xuất an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ để làm ra các sản phẩm an toàn phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân trong tỉnh Hải Dương đã thành công nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Giá trị trên 1 ha đất canh tác ở những mô hình ứng dụng công nghệ cao vượt trội so với cách thức sản xuất truyền thống.

Xã Phạm Kha (huyện Thanh Miện) có 160 ha đất chuyên canh rau màu. Theo ông Phạm Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã, đến nay, toàn bộ diện tích cây rau màu chuyên canh của xã được tưới nước theo công nghệ tiên tiến. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác ở những vùng này đạt từ 380 đến 400 triệu đồng/năm.

Toàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 500 ha trồng rau chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến. Theo cơ quan chuyên môn, áp dụng công nghệ này, chi phí lao động giảm, tiết kiệm khoảng 55% nước tưới so với việc tưới nước thủ công.

Ở nhiều địa phương, sản xuất trong nhà màng nhà lưới thời gian gần đây cũng được nhiều hộ nông dân triển khai hiệu quả. Theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 25 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, hoa, cây giống. Lợi nhuận trung bình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đạt 556 triệu đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với cấy lúa hoặc canh tác truyền thống.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều vùng nuôi thủy sản tập trung đã được hình thành, khẳng định sự ưu việt khi ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Anh Nguyễn Văn Ước ở xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện có 15 sào ruộng được cải tạo làm ao nổi nuôi cá các loại.

“Nuôi thủy sản theo mô hình ao nổi có nhiều ưu điểm. Mật độ cá thả được cao hơn, việc cho cá ăn được bố trí liều lượng hợp lý, môi trường nước được quan tâm xử lý, cá sạch bệnh, lớn nhanh, năng suất và sản lượng đều hơn hẳn”, anh Ước chia sẻ.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có 805 ha diện tích nuôi thủy sản theo mô hình ao nổi và 28 ha nuôi theo mô hình sông trong ao, với 71 máng nuôi. Các mô hình này đều cho năng suất rất cao. Mô hình ao nổi trung bình đạt 10-20 tấn cá/ha, mô hình sông trong ao đạt 15-20 tấn/máng nuôi.

Tương tự, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình chăn nuôi tiên tiến cũng đã và đang được triển khai tại Hải Dương. Các mô hình tiêu biểu như: chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học; chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn dạng lỏng cho lợn; mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

Toàn tỉnh có 802 trang trại chăn nuôi; trong đó có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, trong những năm tới, ngành nông nghiệp Hải Dương xác định tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ đất đai, hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Cùng với đó, khuyến khích việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chú trọng phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với truy xuất nguồn gốc, hướng đến mục tiêu xuất khẩu./.

>>Xuất khẩu nông sản trong 9 tháng năm 2020 đạt trên 30 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục