Hải Dương đảm bảo cung ứng nước sạch phục vụ đời sống, sản xuất

19:35' - 21/05/2024
BNEWS Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hải Dương sẽ có 32 khu công nghiệp và 61 cụm công nghiệp dẫn tới nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn để phục vụ cho sản xuất

 

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 (lần 3) của UBND tỉnh Hải Dương tổ chức vào ngày 21/5, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu các sở, ngành chức năng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch phải đảm bảo chất lượng nước; cung ứng đầy đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị cần đánh giá thực trạng các công trình, nhà máy sản xuất nước sạch về công nghệ, chất lượng xử lý nguồn nước trước khi cung ứng, nhất là việc đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt ở các con sông lớn trên địa bàn.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hải Dương sẽ có 32 khu công nghiệp và 61 cụm công nghiệp dẫn tới nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn để phục vụ cho sản xuất, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị cần đánh giá nhu cầu sử dụng nước ở các vùng, khu vực trên địa bàn; có định hướng thu hút đầu tư, chủ đầu tư đối với hệ thống cung ứng nước sạch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Các cơ quan chức năng cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, hướng dẫn các chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp việc xem xét, dành quỹ đất để xây dựng các nhà máy, trạm trung chuyển hoặc tăng áp nước sạch đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp khi đến đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các sở, ngành địa phương tích cực phối hợp, khẩn trương tổ chức đánh giá chất lượng nước, công nghệ xử lý ở từng công trình, dự án sản xuất nước sạch nhất là ở một số khu vực có nguy cơ nhiễm mặn ở Tứ Kỳ, Thanh Hà; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công trình, nhà máy sản xuất nước sạch.

Thực hiện quản lý nhà nước về nước sạch, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị sở, ngành chức năng cần lập quy hoạch, triển khai hạ tầng cung ứng nước sạch đáp ứng nhu cầu người dân và nhu cầu sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Xây dựng vùng huyện, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030.

Theo ông Trần Quang Cảnh, Giám đốc Sở Y tế, hiện Hải Dương đã ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nước. Ngành y tế đang kiểm tra, đánh giá chất lượng nước tại các nhà máy nước sạch.

Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, về cơ bản công nghệ xử lý, sản xuất nước ở các nhà máy nước sạch hiện đảm bảo yêu cầu nhưng ở một số vùng bị nhiễm mặn cần có công nghệ xử lý riêng. Về phía sở cũng sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn, kết nối để các doanh nghiệp nước sạch đầu tư công nghệ xử lý khi nước nhiễm mặn. 

Theo ông Nguyễn Hải Châu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, để nâng cao chất lượng cung cấp nước, Hải Dương tập trung nâng cao chất lượng nguồn nước mặt; quản lý, kiểm soát và giám sát chặt chẽ các nguồn thải ra các hệ thống sông, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi xả nước thải không đạt tiêu chuẩn ra nguồn nước; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước.

 

Hải Dương cũng tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục rủi ro đối với các đơn vị cấp nước như: khuyến khích các đơn lắp đặt thiết bị đo đạc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cải tạo thay thế mạng đường ống cũ, rò rỉ còn bất cập; đầu tư thiết bị kiểm soát chất lượng nước và bổ sung hàm lượng Clo tự động. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ toàn bộ hệ thống cấp nước an toàn; kiểm tra chất lượng hóa chất xử lý trước khi đưa vào sử dụng; thống nhất các quy trình trong quản lý, vận hành công trình xử lý từ đầu vào (nguồn thu nước) đến đầu ra (trước đồng hồ của người sử dụng)…

Hải Dương dự kiến đầu tư theo phân vùng cấp nước và đầu mối cấp nước theo phương án phát triển hạ tầng cấp nước theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt tại Quyết định 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023, chia thành 8 vùng cấp nước với các hệ thống cấp nước riêng biệt với nhu cầu sử dụng đến năm 2030 ước khoảng trên 800.000 m3/ngày, đêm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 98 công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung, gồm: 56 nhà máy sản xuất trực tiếp; 42 trạm tăng áp hoặc trung chuyển.

Hệ thống mạng lưới cấp nước cơ bản đã phủ kín trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ còn 4 xã thuộc địa bàn thành phố Chí Linh chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Tỷ lệ dân số sử dụng nước từ hệ thông cấp nước tập trung đạt trên 98%. Công suất hoạt động của các nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh trên 338.000 m3/ngày, đêm; cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Việc sản xuất, cung cấp nước sạch chủ yếu trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Công ty cổ phần Kinh doanh nước sạch Hải Dương (chiếm 26,5% tổng số các công trình), Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hải Dương (chiếm 26,5%) và một số doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 41,84%) và các hợp tác xã (chiếm 5,1%). Các công trình sản xuất nước sạch chủ yếu khai thác, sử dụng nguồn nước mặt sông lớn (chiếm 96,94 %)…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục