Hải Dương xây dựng đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt

12:55' - 29/05/2024
BNEWS Khu kinh tế chuyên biệt của Hải Dương nếu được thành lập sẽ có vị trí rất thuận lợi như ngay cạnh đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và có vị trí trung tâm, gần với hành lang kinh tế, vành đai kinh tế.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 (lần 6) do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức sáng 29/5, các thành viên UBND tỉnh Hải Dương đã xem xét, cho ý kiến về việc xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết: Hải Dương luôn mong muốn, khát vọng thành lập khu kinh tế chuyên biệt để tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh Hải Dương nếu được thành lập sẽ có vị trí rất thuận lợi như ngay cạnh đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (nút giao gần khu vực dự kiến xây dựng khu kinh tế và đường cao tốc đã đưa vào hoạt động) và có vị trí trung tâm, gần với hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, vùng động lực đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia; gần với sân bay Cát Bi, các cảng biển của Hải Phòng và một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội…

 
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng phương án thuê tư vấn để triển khai xây dựng đề án trong thời gian sớm nhất. Giao các ngành, địa phương phối hợp xác định ranh giới của đề án, xác định các loại đất tại khu vực dự kiến xây dựng và các phương án triển khai hạ tầng cho khu kinh tế khi được triển khai như điện, nước sạch….

Ông Lưu Văn Bản yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp cung cấp dữ liệu, thông tin cho tư vấn khi được thuê. Nếu gặp vướng mắc ở sở, ngành nào, tư vấn báo cáo lãnh đạo tỉnh để kịp thời xử lý.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trường, Viện phó Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tư vấn, khi xây dựng đề án cần chỉ rõ nhà đầu tư chiến lược, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cần tích cực phối hợp cung cấp dữ liệu, thông tin cho đơn vị tư vấn khi được thuê để triển khai xây dựng đề án một cách nhanh nhất.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương Nguyễn Hải Châu cho biết, đề án dự kiến gồm 5 phần gồm: đánh giá hiện trạng khu vực dự kiến thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, các hạn chế, lợi thế; kinh nghiệm phát triển khu kinh tế và các nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn mô hình thực hiện; đánh giá phù hợp của khu kinh tế với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khả năng huy động nguồn lực để thực hiện và phương hướng phát triển của khu kinh tế chuyên biệt.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, khu kinh tế chuyên biệt của Hải Dương khi được thành lập, dự kiến nằm ở phía Tây của tỉnh Hải Dương (phía nam đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) thuộc 2 huyện Bình Giang, Thanh Miện với tổng diện tích dự kiến khoảng 5.300 ha.

Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh Hải Dương là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, lĩnh vực có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường. Khu kinh tế có trọng tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistic, đô thị và trung tâm đổi mới sáng tạo. Khu kinh tế chuyên biệt sẽ được chia thành 7 phân khu gồm: khu công nghiệp, cụm công nghiệp với dự kiến gồm 13 khu công nghiệp (diện tích dự kiến 3.001 ha), 3 cụm công nghiệp (dự kiến diện tích 150 ha). Khu thương mại dịch vụ, logistic có diện tích khoảng 75 ha.

Khu trung tâm đổi mới sáng tạo (hạt nhân phát triển công nghiệp công nghệ cao) có diện tích khoảng 60 ha. Khu phát triển hạ tầng công cộng với các công trình giáo dục, y tế, công viên, thể thao văn hóa… với diện tích khoảng 60 ha. Khu đô thị, dân cư diện tích khoảng 530ha. Khu dân cư hiện trạng có diện tích khoảng 1.547 ha. Khu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Để xuất về lộ trình phát triển dự kiến sẽ thành lập khu kinh tế vào quý IV năm 2024 và chia thành 2 giai đoạn 2024-2025 (giai đoạn này xây dựng và khởi công xây dựng một số cơ sở hạ tầng lớn; xúc tiến thu hút đầu tư) và giai đoạn 2026-2030 (giai đoạn này hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và chuẩn bị triển khai mở rộng diện tích khu kinh tế trong giai đoạn sau năm 2030)….

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản cho toàn khu kinh tế chuyên biệt là khoảng 78.000 tỷ đồng trong cả giai đoạn 2021-2035 (trung bình khoảng 5.200 tỷ đồng/năm). Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; đồng thời, huy động từ các nguồn khác…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục