Hai mục tiêu hàng đầu của ECB

08:43' - 02/12/2023
BNEWS Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thay đổi cách tiếp cận đối với việc tăng lãi suất nhằm mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát và cân bằng tăng trưởng kinh tế.

Theo Đánh giá ổn định tài chính tháng 11/2023 của ECB, triển vọng về sự ổn định tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn rất mong manh. Nguyên nhân là do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn đang ngày càng lan rộng đến nền kinh tế trong môi trường tăng trưởng yếu, lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết: “Triển vọng kinh tế yếu cùng với hậu quả của lạm phát cao đang làm suy giảm khả năng trả nợ của người dân, doanh nghiệp và chính phủ. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn cảnh giác khi nền kinh tế chuyển sang môi trường lãi suất cao hơn cùng với những bất ổn và căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng”.

Thị trường tài chính và các tổ chức tài chính phi ngân hàng vẫn rất nhạy cảm trước những diễn biến tiêu cực tiếp theo và có thể phải đối mặt với những bất ngờ khi tăng trưởng kinh tế giảm. Đồng thời, các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác vẫn dễ bị tổn thương trước rủi ro thanh khoản, tín dụng và đòn bẩy. Điều này càng cho thấy sự cần thiết phải tăng cường khả năng phục hồi của thị trường tài chính xét từ góc độ an toàn vĩ mô.

 

Trong khi các điều kiện tài chính và tín dụng chặt chẽ hơn đang ngày càng dẫn đến chi phí trả nợ cao hơn, thì tác động đầy đủ đến hoạt động kinh tế vẫn chưa thành hiện thực, do thời hạn cho vay chung trong các lĩnh vực kinh tế được kéo dài khi lãi suất rất thấp.

Các lĩnh vực tài chính và phi tài chính đều có thể phải đối mặt với những thách thức phía trước khi chi phí trả nợ tăng lên. Hiệu ứng này đã được nhìn thấy rõ ràng ở thị trường bất động sản Eurozone, nơi đang trải qua thời kỳ suy thoái.

Trong thị trường bất động sản nhà ở, giá giảm do khả năng chi trả ngày càng suy giảm và chi phí vay thế chấp tăng lên. Trên thị trường bất động sản thương mại, tác động của việc chi phí tài chính tăng cao đã được củng cố bởi nhu cầu về văn phòng và bán lẻ thấp hơn sau đại dịch.

Nhìn chung, hệ thống ngân hàng Eurozone có khả năng chống chọi tốt với những rủi ro. Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý vĩ mô đã tăng yêu cầu về vùng đệm để giúp các ngân hàng trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhằm bảo vệ khả năng phục hồi của hệ thống tài chính, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho rằng các cơ quan quản lý an toàn vĩ mô nên duy trì vùng đệm vốn cùng với các biện pháp đảm bảo các tiêu chuẩn cho vay hợp lý nhằm giúp các ngân hàng dễ dàng điều hướng chu kỳ tài chính hơn

. Tuy nhiên, điều cần thiết là những cải cách Basel III (các quy tắc cải cách do Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng ban hành năm 2010 nhằm nâng cao các chuẩn mực trong quy định, giám sát và quản lý rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng) còn lại phải được thực hiện một cách trung thực và liên minh ngân hàng được hoàn thiện.

Theo ông Guindos, vẫn cần có phản ứng chính sách toàn diện và quyết đoán nhằm giải quyết các lỗ hổng cơ cấu trong khu vực tài chính phi ngân hàng, chẳng hạn như xuất phát từ rủi ro thanh khoản hoặc đòn bẩy, để tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính.

Theo ông Patrick Artus, nhà kinh tế và cố vấn của ngân hàng Natixis, các ngân hàng Eurozone đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những cú sốc kể từ đại dịch và lợi nhuận của họ ngày càng tăng. Đồng thời, họ đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ ba nguồn chính.

Đầu tiên, chi phí huy động vốn dự kiến sẽ tăng khi ngân hàng dần dần chuyển lãi suất cao hơn sang người gửi tiền và cơ cấu nguồn vốn chuyển từ tiền gửi qua đêm sang tiền gửi có kỳ hạn hoặc trái phiếu giá trị cao hơn.

Thứ hai, chất lượng tài sản ngân hàng có thể bị ảnh hưởng do chi phí dịch vụ nợ cao hơn và môi trường kinh tế vĩ mô yếu kém.

Thứ ba, lợi nhuận của ngân hàng sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về khối lượng cho vay do lãi suất cho vay cao hơn cùng với nhu cầu vay thấp hơn và tiêu chuẩn tín dụng chặt chẽ hơn.

Chính vì thế, chuyên gia Patrick Artus cho rằng ECB nên duy trì lãi suất cơ bản cao lâu hơn nhiều so với Mỹ. Nhiều đồn đoán cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào đầu năm 2024, trong khi ECB nên duy trì lãi suất ở mức từ 4% đến 4,75% cho đến năm 2025. Theo chuyên gia này, lạm phát năm 2024 của Eurozone dự kiến đạt 4,2% vì sẽ không còn được hưởng lợi từ giá năng lượng thấp.

Sau khi lạm phát giảm xuống 2,9% trong tháng 10/2023, dự kiến lạm phát của Eurozone sẽ tiếp tục chậm lại trong tháng 11/2023, nhưng các quan chức châu Âu đã cảnh báo lạm phát có thể tăng tốc trong ngắn hạn. Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, cho biết mục tiêu đưa lạm phát về 2% của ECB sẽ chỉ đạt được vào nửa cuối năm 2025.

Để cải thiện tình hình, giảm lạm phát và tái khởi động tăng trưởng, ông Patrick Artus nhấn mạnh 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải thực thi Đạo luật giảm lạm phát châu Âu như Mỹ đã làm.

Chuyên gia Patrick Artus khẳng định: “Chúng ta phải cung cấp các gói hỗ trợ thuế cho đầu tư thay vì trợ cấp công quan liêu và kém hiệu quả. Chúng ta cần suy nghĩ về một chính sách kinh tế châu Âu hiệu quả bằng cách tái công nghiệp hóa để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề sụt giảm năng suất liên quan đến tình trạng già hóa dân số, đầu tư thấp vào công nghệ và tình trạng thiếu lao động. Do vậy, thị trường Mỹ vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư hơn nhiều so với châu Âu”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục