Hai nền tảng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á muốn “về chung nhà”

17:41' - 21/02/2025
BNEWS Hai nền tảng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á là Grab và GoTo được cho là đã tiến hành các cuộc đàm phán sáp nhập trong thời gian gần đây.

Theo tạp chí “Tuần san châu Á” của Hong Kong số 8/2025, hai nền tảng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á là Grab và GoTo được cho là đã tiến hành các cuộc đàm phán sáp nhập trong thời gian gần đây. Nếu thành công, việc sáp nhập sẽ tạo ra nền tảng gọi xe và giao đồ ăn khổng lồ với giá trị thị trường 25 tỷ USD.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc sáp nhập có thể không được cơ quan quản lý chấp thuận do thị phần rất lớn của hai công ty cộng lại.

 
Grab có trụ sở chính tại Singapore (Xin-ga-po) và được niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ, còn GoTo được niêm yết ở Indonesia (In-đô-nê-xi-a). Hay công ty này đã liên tục thực hiện các cuộc đàm phán sáp nhập trong những năm gần đây. Các nhà phân tích cho rằng do sự chồng chéo trong hoạt động kinh doanh của hai bên, việc sáp nhập dường như là điều không thể tránh khỏi.

Việc sáp nhập Grab và GoTo được kỳ vọng sẽ hiện thực hóa hơn nữa tham vọng của họ, đồng thời giúp khắc phục những tổn thất do cạnh tranh với nhau. Các nguồn tin cho biết việc sáp nhập sẽ được hoàn thành trong năm 2025.

Theo kết quả mới nhất được công bố, Grab đã lãi 15 triệu USD trong quý III/2024, sau khi ghi nhận khoản lỗ 99 triệu USD của cùng kỳ năm 2023. Doanh thu cũng tăng 170% so với cùng kỳ lên 716 triệu USD. Trong cùng quý báo cáo, khoản lỗ của GoTo giảm 29% xuống 1.700 tỷ rupiah (khoảng 104 triệu USD), trong khi doanh thu tăng 8% lên 3.900 tỷ rupiah.

Ông Nirgunan Tiruchelvam, người đứng đầu bộ phận tiêu dùng và trực tuyến tại công ty tư vấn đầu tư Aletheia Capital, cho biết việc sáp nhập sẽ giúp Grab và GoTo đạt được hiệu quả kinh tế nhờ quy mô ở Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh tài chính bất ổn của hai công ty.

Một khi việc sáp nhập Grab và GoTo được triển khai thì đây sẽ là một sự kết hợp mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng do Grab và GoTo chiếm hơn 70% tổng giao dịch gọi xe ở Đông Nam Á và khoảng 60% thị trường giao đồ ăn trong khu vực, khả năng các cơ quan quản lý chấp thuận vụ sáp nhập này là thấp do lo ngại về hành vi độc quyền tiềm ẩn. Chuyên gia Nirgunan Tiruchelvam của Aletheia Capital cho biết các biện pháp quản lý, bao gồm luật cạnh tranh ở Singapore và Indonesia, có thể tạo ra trở ngại cho việc sáp nhập. Trước đây hồi tháng 7/2023, Grab đã công bố kế hoạch mua lại nhà điều hành taxi Trans-Cab của Singapore nhưng thương vụ này đã thất bại.

Ông Nishant Kaushal, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường ADNA Research, cho biết việc sáp nhập Grab và GoTo sẽ làm giảm đáng kể sự cạnh tranh trong ngành gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia - thị trường lớn nhất khu vực. Vụ sáp nhập có thể thu hẹp lựa chọn của người tiêu dùng, dẫn đến giá cả cao hơn và cản trở sự đổi mới.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc sáp nhập sẽ là tình huống “đôi bên cùng có lợi”. Thương vụ sẽ củng cố sự thống trị của Grab, khiến hãng này gần như độc quyền ở Đông Nam Á và làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực có lợi cho Grab.

Tuy nhiên, phân tích của ông Kaushal chỉ ra rằng Grab có thể gặp thách thức trong việc tích hợp nhiều thương hiệu và hoạt động kinh doanh, vì việc này đòi hỏi nhiều nguồn lực và quản lý cẩn thận.

Nhưng bên cạnh quá trình sáp nhập, hai công ty còn phải đối mặt với thách thức nội địa hóa tại các nước Đông Nam Á. Ngày 17/2, hàng nghìn tài xế gọi xe từ hai công ty ở một số thành phố tại Indonesia đã biểu tình và đóng các ứng dụng gọi xe của họ, yêu cầu các công ty cho phép nghỉ lễ và xác nhận tư cách nghề nghiệp từ Bộ Lao động Indonesia. Một phân tích của một tổ chức tư vấn đã chỉ ra rằng mối quan hệ giữa các tài xế và hai công ty là quan hệ đối tác chứ không phải mối quan hệ việc làm và hiện do Bộ Giao thông vận tải và Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia quản lý và giám sát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục