Hai nguy cơ lớn nhất kìm hãm nền kinh tế toàn cầu

10:16' - 02/05/2022
BNEWS Mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1/2022, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao.

Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) với hơn 500 chuyên gia kinh tế, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn dự đoán được đưa ra ba tháng trước do lạm phát và bất ổn liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine.

Vốn đã chịu áp lực từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ khi các ngân hàng trung ương nỗ lực kiềm chế lạm phát, sản lượng kinh tế toàn cầu còn chịu thêm “cú giáng” khi Nga tiến hành chiến dịch tại Ukraine vào ngày 24/2, khiến giá hàng hóa leo thang và khơi mào một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

 

Khi được hỏi về hai nguy cơ lớn nhất kìm hãm nền kinh tế toàn cầu trong năm nay, lựa chọn hàng đầu của gần 200 chuyên gia tham gia khảo sát là tình trạng giá hàng hóa cao kéo dài và sự leo thang hơn nữa trong xung đột tại Ukraine. Tiếp theo sau đó là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, các hiệu ứng vòng hai của lạm phát và phản ứng thái quá của các ngân hàng trung ương.

Tác động nặng nề của cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới, khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 19/4.

Theo báo cáo, mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và năm 2023 mà IMF đưa ra thấp hơn lần lượt 0,8% và 0,2% so với mức dự báo hồi tháng 1/2022, trong bối cảnh giá cả cùng nợ công tăng cao.

Báo cáo cũng chỉ rõ tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013. Chuyên gia kinh tế cấp cao IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đang gây ra tác động sâu rộng đối với kinh tế và dự kiến sẽ chưa thể chấm dứt trong "một sớm một chiều".

Ông Nathan Sheets, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của ngân hàng Citi, cho biết kể cả trước khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, các ngân hàng trung ương đã phải đối phó với sự gia tăng mạnh trong lạm phát, vốn phản ánh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự căng thẳng của các chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thắt chặt trên các thị trường lao động.

Và giờ đây, theo ông Sheets, tác động lây lan từ xung đột tại Ukraine đã đem lại một cú sốc lớn về nguồn cung, điều khiến các chuyên gia tăng hơn nữa dự báo lạm phát và hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia đã nâng dự báo lạm phát đối với gần như tất cả các nền kinh tế được đề cập, qua đó củng cố quan điểm cho rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao và vượt mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương trong thời gian lâu hơn dự đoán trước đó.

Trong bối cảnh tình trạng lạm phát đang chi phối phần lớn thế giới, chỉ 13 trong số 25 ngân hàng trung ương hàng đầu trong khảo sát được dự đoán sẽ đưa lạm phát về mức mục tiêu trước cuối năm 2023, giảm so với con số 18 ngân hàng trong khảo sát tháng Một.

Hầu hết các ngân hàng trung ương đều được dự đoán sẽ thúc đẩy kế hoạch thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát bất chấp nguy cơ kìm hãm tăng trưởng hay thậm chí là gây ra một đợt suy thoái.

Ông Sheets cho rằng chỉ riêng kìm hãm lạm phát cũng là một nhiệm vụ khó khăn, và để làm được điều đó song song với việc tránh nguy cơ suy thoái còn đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải khéo léo trong hoạch định chính sách và cả một chút may mắn.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ nâng lãi suất ít nhất thêm 150 điểm cơ bản nữa trước cuối năm nay, với tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại ở mức 3,3% trong năm 2022 và 2,2% vào năm tới, thấp hơn các mức lần lượt 3,6% và 2,4% được đưa ra hồi tháng trước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ có 25% khả năng sẽ suy thoái trong 12 tháng tới và xác suất này là 40% trong vòng hai năm tới.

Tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) được dự đoán ở mức 2,9% trong năm nay và 2,3% trong năm 2023, giảm so với các mức lần lượt 3,8% và 2,5% đưa ra một tháng trước. Các chuyên gia cũng dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nâng lãi suất trong năm nay, với khả năng kinh tế khu vực này rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 30%.

Ông Neil Shearing, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định: “Điều quan trọng hơn là dù suy thoái hay không thì các nền kinh tế lớn trên trên thế giới đều có khả năng sẽ yếu hơn dự đoán”.

Tại Anh, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có thể tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, nhưng Ngân hàng trung ương Anh vẫn được dự đoán sẽ nâng lãi suất.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), vốn vẫn chưa thể đưa lạm phát lên gần mức mục tiêu suốt hàng chục năm qua, được dự đoán sẽ không sớm thắt chặt chính sách, bất chấp làn sóng tăng giá trên toàn cầu. Triển vọng lãi suất này đã tác động mạnh đến đồng yen vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua so với đồng USD trong tuần trước.

Các dự báo tăng trưởng cũng được hạ xuống với hầu hết các nền kinh tế châu Á nằm trong khảo sát, trong bối cảnh “sự thụt lùi” của nền kinh tế Trung Quốc đã phủ bóng lên triển vọng của các nước nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của nước này, từ Hàn Quốc đến Thái Lan. Điều này có thể sẽ có tác động kinh tế không chỉ đối với khu vực này mà còn cho cả thế giới.

Ngày 21/4, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, đà giảm tốc kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có hiệu ứng lan toả đáng kể trên toàn cầu. Tuy nhiên, bà Georgieva nói thêm Trung Quốc có khả năng điều chỉnh chính sách để cải thiện tình hình này.

Trước đó, ngày 19/4, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 5,5% của chính phủ nước này do ảnh hưởng của việc phong tỏa một số thành phố liên quan tới đại dịch COVID-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng./.

>>Liệu các nền kinh tế mới nổi đang đứng trên bờ vực của một “thập kỷ mất mát” nữa?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục