Hai “ông lớn” công nghệ tạo bước đột phá cho chip AI

08:05' - 09/07/2024
BNEWS Hai tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Group đang đẩy nhanh nỗ lực để giành được lợi thế sớm trong lĩnh vực chất nền thủy tinh - một bước đột phá trong sản xuất chip.
Hai tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Group đang đẩy nhanh nỗ lực để giành được lợi thế sớm trong lĩnh vực chất nền thủy tinh - một bước đột phá trong sản xuất chip, có thể tăng đáng kể dung lượng dữ liệu và tốc độ của chất bán dẫn trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).

Các nhà lãnh đạo của hai tập đoàn trên gần đây đã đến thăm những cơ sở sản xuất chất nền thủy tinh, đồng thời tái khẳng định cam kết của họ đối với lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này.

Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong vừa đến thăm trụ sở của Samsung Electro-Mechanics - công ty đã công bố kế hoạch khai thác thị trường chất nền thủy tinh, đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt vào năm 2026 và đang đẩy nhanh quá trình sản xuất nguyên mẫu vì các đối thủ cạnh tranh đang tích cực hành động để giành ưu thế trên thị trường.

Còn Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won cũng đến thăm Trụ sở chính của Absolics - công ty vật liệu đóng gói chip trực thuộc Tập đoàn SK, là một trong những công ty có khả năng sản xuất hàng loạt tấm nền thủy tinh sớm hơn các công ty khác. Năm 2021, SK thành lập Absolics cùng với Applied Materials để phát triển vật liệu nền thủy tinh. Nhà máy đầu tiên trị giá 300 USD, đặt tại thành phố Covington, bang Georgia (Mỹ), dự kiến sẽ có công suất sản xuất 12.000 m2 vật liệu nền thủy tinh và dự định bắt đầu sản xuất hàng loạt vào nửa đầu năm 2025.

Thuỷ tinh được coi là thế hệ tiếp theo của chất nền sản xuất chip, có khả năng thay thế nhựa. So với chất nền nhựa thông thường, chất nền kính có bề mặt mịn hơn và không cần bộ phận xen kẽ để gắn chip trên chất nền. Thiết kế mỏng hơn giúp cải thiện tốc độ xử lý chip lên 40 phần trăm trong khi giảm mức tiêu thụ điện năng xuống 30 phần trăm.

Chất nền thủy tinh được đánh giá có khả năng vượt qua giới hạn của chất nền nhựa thông thường và nâng cao hiệu suất cũng như hiệu quả sử dụng điện của các con chip tiên tiến. Sau một thập kỷ nỗ lực thương mại hóa công nghệ phức tạp này, các công ty Hàn Quốc hiện đang trong giai đoạn cuối cùng để bắt đầu sản xuất hàng loạt.

Trong khi đó, các “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu cũng đang nhảy vào cuộc cạnh tranh trên thị trường chất nền thủy tinh. Năm ngoái, Intel đã công bố lộ trình áp dụng chất nền thủy tinh vào chip của mình vào khoảng năm 2028 và cho biết sẽ đầu tư 1 USD. AMD và Nvidia cũng đang để mắt đến việc áp dụng chất nền thủy tinh sớm nhất là vào năm 2026.

LG Innotek, đơn vị sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG, cũng đang xem xét việc thâm nhập vào thị trường mới nổi này. Công ty Corning Hàn Quốc cũng bày tỏ quyết tâm của trong việc mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường chất nền thủy tinh đang phát triển mạnh mẽ dành cho chất bán dẫn bằng cách sử dụng các công nghệ độc quyền đặc biệt của mình trong năm nay.

 
Công ty sản xuất chất nền nhựa số 1 thế giới, Ibiden tại Nhật Bản, cũng đang tìm cách tham gia vào cuộc cạnh tranh trên thị trường chất nền thủy tinh. Trong báo cáo tài chính năm 2023, công ty đã đưa tiền vào nghiên cứu và phát triển công nghệ chất nền thủy tinh.

Theo công ty theo dõi thị trường Marketsandmarkets, thị trường chất nền thuỷ tinh toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 3,5% trong những năm tới và đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2028./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục