Hải Phòng có cách làm sáng tạo hỗ trợ tiêu thụ nông sản ứ đọng

19:01' - 20/02/2021
BNEWS Để gỡ khó cho người nông dân trong tiêu thụ các sản phẩm nông sản ứ đọng, các tổ chức đoàn, hội của Hải Phòng đã đề xuất và có những cách làm sáng tạo.

*Mất cân đối cung cầu

Ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số hợp tác xã, trang trại, gia trại ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn đều bị rút đơn hàng dẫn đến tình trạng nông sản bị ứ đọng, giá cả liên tục tụt giảm.

Cụ thể, giá rau bắp cải bán tại ruộng là 4.500 đồng đến 5.000 đồng một cái từ 3 đến 4 kg, cà chua giá từ 900 đồng đến 1.000 đồng/kg, su hào giá 3.000 đồng/củ. Có những hộ gia đình còn tồn đọng hàng tấn rau như hộ gia đình bà Đỗ Thị Duyên, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo hiện có 5 ha rau bắp cải, súp lơ xanh chưa tiêu thụ.

Ngoài rau màu, các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản cũng gặp khó. Hợp tác xã nuôi trồng Thủy sản Tân Lập, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên là đơn vị cung cấp cá vược lớn cho thị trường Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lân cận.

Hiện tại, hợp tác xã này còn khoảng 250 tấn cá vược. Giá của loại cá này giao động từ 70.000 đồng/kg đến 75.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Số lượng cá song tại Cát Hải còn trên 100 tấn, giá xuất bán giảm 30.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg.

Giá gia cầm cũng ở tình trạng tương tự. Giá gà thịt tại các chợ nông thôn giảm từ 55.000 đồng/kg xuống còn từ 42.000 đồng- 45.000 đồng/kg, giá trứng gà giảm từ 3.300 đồng xuống còn 2.300 đồng/quả. Hàng trăm nghìn quả trứng vịt đạt tiêu chuẩn OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp Chiêu Viên, xã Chấn Hưng, huyện Tiên Lãng tồn đọng.

Ông Đỗ Đức Hòa cho biết thêm, đối với việc mua bán, tiêu thụ gia cầm lại xảy ra tình trạng bên thừa không kết nối được với bên thiếu. Theo ông Hòa, Công ty giống gia cầm Lượng Huệ- doanh nghiệp nông nghiệp lớn của Hải Phòng về chăn nuôi gia cầm hiện đang khó khăn trong thu mua gà thịt tại thị trường Hải Dương.

*Huy động sự chung tay

Trước thực trạng này, Hội Nông dân Hải Phòng đã có công văn báo cáo Thường trực Thành ủy Hải Phòng, trong đó đề xuất một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Cụ thể, Hội Nông dân Hải Phòng đề xuất, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cấp hội nông dân Hải Phòng tạo điều kiện tốt nhất, đơn giản thủ tục cho phép nông sản của thành phố đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch COVID-19 được vận chuyển ra ngoại tỉnh theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký.

Một hướng tháo gỡ khác đó là thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng thu mua nông sản, thực phẩm tại các trang trại, gia trại, mô hình phát triển kinh tế của nông dân trên địa bàn thành phố cho các bếp ăn cách ly tập trung của Hải Phòng và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang không tự tăng gia sản xuất rau xanh, thực phẩm.

Trực tiếp hỗ trợ người nông dân, từ ngày 19/2, các đơn vị thuộc Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức kết nối với các hộ nuôi trồng nông sản, tiến hành thu gom và vận chuyển đến các điểm bán do đoàn thanh niên sáng lập. Hiện nay đã có 5 điểm bán hàng của thanh niên Hải Phòng hỗ trợ bán các loại rau, trứng.

Trong khoảng 1 ngày, các điểm bán hàng đã bán được khoảng 55.000 bắp cải, 10.000 bắp ngô, 35.000 trứng các loại. Có những đơn vị vận động nguồn xã hội hóa, trực tiếp thu mua nông sản của nông dân, ủng hộ bếp ăn của khu cách ly như quận đoàn Kiến An.

Chị Bùi Thị Kim Chi, Trưởng ban Công tác Thanh niên, Thành đoàn Hải Phòng cho biết, với mục tiêu hỗ trợ tối đa để người nông dân thu hồi vốn, đoàn thanh niên Hải Phòng huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa cho chi phí thuê xe chở hàng, mở điểm bán hàng.

Thanh niên trực tiếp hỗ trợ thu hoạch, bán nông sản. Toàn bộ tiền bán sản phẩm sẽ được hoàn trả tất cả cho các hộ dân vào cuối buổi bán hàng. Dự kiến hoạt động này sẽ diễn ra khoảng 1 tuần- đến thời điểm, toàn bộ nông sản ứ đọng của người dân được tiêu thụ hết.

Trong chiều ngày 20/2, tại điểm bán hàng trước cổng Thành đoàn Hải Phòng, rất nhiều người dân đến mua các sản phẩm. Ngoài mua cho gia đình, đa số mua nhiều để tặng người thân.

Theo chị Nguyễn Thị Bảo Ngọc- người mua hàng, chị biết đến chương trình này do Bí thư đoàn ở nơi công tác chia sẻ trên Zalo và Facebook. Sáng ra mua thì đã hết hàng nên chiều chị đến sớm.

Đây là các mặt hàng thiết yếu nên chị Ngọc mua cho cả gia đình mình và người thân. Chị sẽ mua ở quầy hàng của Đoàn thanh niên hàng ngày cho đến khi chương trình kết thúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục