Hải Phòng mở rộng quảng bá du lịch ở thị trường nước ngoài

11:15' - 25/09/2020
BNEWS Với lợi thế đường hàng không có thể tiếp nhận những máy bay lớn nhất, hệ thống cảng biển phát triển... sẽ là những "điểm sáng" đầu tiên thu hút khách đến với Hải Phòng.

Dù lượng du khách liên tục tăng và hạ tầng giao thông, du lịch có những bước phát triển vượt bậc, song du lịch Hải Phòng vẫn chỉ chủ yếu phục vụ du khách trong nước. Thay đổi cách quảng bá, tiếp cận thị trường nước ngoài và làm mới sản phẩm là những điểm Hải Phòng cần tập trung trong thời gian tới.

Phát triển vượt bậc về hạ tầng du lịch

Ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống cơ sở lưu trú tại Hải Phòng có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Về quy mô, năm 2016, thành phố có 427 cơ sở với 9.316 phòng thì đến nay đã tăng lên 509 cơ sở với 12.254 phòng.

Các cơ sở lưu trú ngày càng được nâng cấp về chất lượng dịch vụ. Số cơ sở lưu trú có điều kiện tiêu chuẩn tương đương từ 3 sao trở lên là 26 cơ sở (3.668 phòng), gấp hơn 2 lần.

Thời điểm hiện tại, thành phố có 4 dự án khách sạn 5 sao đang được thực hiện; trong đó có 3 thương hiệu của các khách sạn cao cấp trên thế giới là Hilton, Pullman và Nikko cùng 1 khách sạn nằm trong Dự án FLC Diamond 72 Tower của Tập đoàn FLC. Các dự án khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ nâng tổng số khách sạn 5 sao trên địa bàn thành phố lên 10 khách sạn.

Cùng với việc phát triển cơ sở lưu trú, Hải Phòng còn chú trọng tăng số lượng phương tiện và nâng cao chất lượng vận chuyển khách du lịch, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận tiện. Toàn thành phố có 30 tàu kinh doanh vận chuyển khách theo tuyến cố định, 183 tàu tham quan được cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch (gồm 170 tàu tại Cát Bà và 13 tàu tại Đồ Sơn).

Từ tháng 6/2020, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long đi vào hoạt động. Đây vừa là sản phẩm du lịch, vừa là loại hình giao thông cao cấp, giúp giảm tàu phà Bến Gót, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Cát Bà trở thành đảo du lịch sinh thái. Về dịch vụ hàng không, ngoài 9 đường bay nội địa, Hải Phòng có 4 đường bay quốc tế tới Incheon (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Thâm Quyến và Côn Minh (Trung Quốc).

Những thuận lợi này là yếu tố tiên quyết thu hút du khách đến Hải Phòng. Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố, giai đoạn 2016 - 2020, khách du lịch đến Hải Phòng có mức tăng trưởng nhanh và liên tục qua các năm, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,07%/năm.

Năm 2018, thành phố đón 7,8 triệu lượt khách, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đề ra trước 2 năm; năm 2019 đạt 9,08 triệu lượt khách. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thành phố ước đón và phục vụ 6,33 triệu lượt khách du lịch.

Cần tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận khách du lịch

Nghị quyết 45- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu mục tiêu về phát triển du lịch cho Hải Phòng đến năm 2030; theo đó, Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Trong vòng 10 năm tới, Hải Phòng cần có những giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu này bởi hiện tại, lượng khách quốc tế đến thành phố mới chỉ đạt 10% trong tổng số khách du lịch. Cụ thể, số du khách đến với Hải Phòng của từng thị trường là: Trung Quốc đạt 30%, châu Âu đạt 27%, Hàn Quốc đạt 9,5%, Nhật Bản đạt 6,5%, Nga đạt 0,9%.

Mới đây, tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với thành phố Hải Phòng, các đại biểu đều đánh giá cao sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, nổi trội là thu hút khách du lịch và các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Hải Phòng cần đổi mới cách thức quảng bá, làm mới sản phẩm và chú trọng phát triển thị trường mới.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá, Hải Phòng là địa danh du lịch có truyền thống của Việt Nam từ thời Pháp thuộc cho đến tận giai đoạn đất nước đổi mới.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh, Hải Phòng cần chú trọng thu hút khách quốc tế, trong đó nên tiếp cận khách hàng thuộc các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản vì đó là 2 quốc gia có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng. Hải Phòng cần khởi động lại việc xúc tiến du lịch tại thị trường Nga và các nước Đông Bắc Á.

Ông Nguyễn Quốc Hưng nhận xét: "Ẩm thực Hải Phòng đa dạng, phong phú và hấp dẫn, nổi bật là món bánh đa cua. Thành phố cần tích cực quảng bá thế mạnh này. Với thuốc lào Tiên Lãng, cơ hội tiếp cận thị trường bằng sản phẩm cũ gần như không còn, vì vậy cần sáng tạo, đổi mới trong sản xuất thuốc lào, ví dụ như làm xì gà để tăng sức mua".

Đại diện của Sở Du lịch Hải Phòng thừa nhận, việc thu hút du khách quốc tế đến thành phố chưa tương xứng với tiềm năng. Sở đang đề nghị mỗi doanh nghiệp du lịch trên địa bàn xây dựng từ 4-5 sản phẩm, sau đó sẽ tổ chức các buổi trải nghiệm chào bán các sản phẩm và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, cơ hội để du lịch Hải Phòng bứt phá trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi. Với lợi thế đường hàng không có thể tiếp nhận những máy bay lớn nhất, hệ thống cảng biển phát triển, các trọng điểm du lịch đang được khai thác và bảo tồn hiệu quả... sẽ là những "điểm sáng" đầu tiên thu hút khách đến với Hải Phòng.

Cùng với đó, khu vui chơi giải trí nhà ở và công viên sinh thái Đảo Vũ Yên với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong vòng 2-3 năm tới. Dự án này đi vào hoạt động sẽ là đòn bẩy tạo nên sức bật lớn cho ngành du lịch Hải Phòng, với số lượng khách du lịch vào năm 2025 ước đạt khoảng 20 triệu lượt khách mỗi năm./.

>>>Kích cầu du lịch Việt Nam lần 2 chú trọng tính an toàn, hấp dẫn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục