Hải Phòng phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

14:58' - 21/07/2017
BNEWS Để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, Hải Phòng sẽ tiếp tục tập trung phát triển, quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mục tiêu cụ thể của Hải Phòng đến năm 2030 là quy hoạch 5.870 ha (hiện đất sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng là trên 51.000 ha) khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó có 1 khu cấp quốc gia, 2 khu cấp thành phố và 42 vùng. Địa điểm triển khai dự án thuộc các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên và quận Dương Kinh.
Các sản phảm chủ lực của thành phố tại khu và vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gồm các loại rau ăn lá, rau ăn củ như cà chua, khoai tây, dưa chuột, ớt ngọt và các loại rau cao cấp khác.

Thuỷ sản gồm các loại như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá vược, các loại thủy sản có giá trị cao; Chăn nuôi các loại gà lông màu, lợn thịt, bò thịt, lợn giống, bò giống. Hải Phòng cũng sẽ tập trung phát triển ngành trồng hoa với các loại có thế mạnh như Lay ơn, Ly, Hồng, Cúc vạn thọ, Thược dược, Lan.
Tổng vốn đầu tư cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của Hải Phòng đến năm 2030 dự kiến là 11.884 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 3.079 tỷ đồng (bằng 25,9%). Vốn tín dụng là 3.082 tỷ đồng (bằng 25,9%). Vốn hợp pháp khác (từ doanh nghiệp và hộ gia đình) là 5.723 tỷ đồng (bằng 48,2%).
Nếu Hải Phòng triển khai dự án Quy hoạch khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố, giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 đạt tiến độ và hiệu quả thì giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác sẽ cao gấp 12 - 15 lần so với sản xuất truyền thống.

Sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng tiêu dùng, chế biến, xuất khẩu. Thu nhập của người lao động trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8 - 10 lần so với sản xuất đại trà.
Cùng với hiệu quả về kinh tế, dự án cũng sẽ mang lại hiệu quả về xã hội như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thương mại, thu hút lao động có trình độ, cơ cấu lại lao động nông nghiệp nông thôn, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ phục vụ nông nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình, thành phố đã đưa ra 8 giải pháp để dự án triển khai hiệu quả như: các địa phương bố trí và dành quỹ đất cho xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định.

Tổ chức dồn điền, đổi thửa, kết hợp với thu hồi đất nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện trả lại ruộng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đào tạo, tập huấn cho người nông dân quy trình sản xuất nông nghiệp tại các vùng này.
Ngoài ra, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, nhập khẩu công nghệ cao trong nông nghiệp, áp dụng các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Hiện Hải Phòng có 1 dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao được đưa vào sản xuất từ tháng 1/2016. Đó là dự án VinEco Hải Phòng do tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất quy hoạch cho VinEco là 250 ha; trong đó, 46 ha đã được đưa vào đầu tư. VinEco sản xuất 14 chủng loại cây trồng với sản lượng trung bình đạt khoảng 200 - 250 tấn/ tháng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục