Hai tập đoàn năng lượng lớn của Trung Quốc và Nga "bắt tay" hợp tác

14:35' - 07/09/2017
BNEWS Tập đoàn năng lượng CEFC của Trung Quốc đang đàm phán để đầu tư vào Công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft trong bối cảnh quan hệ của các nước này với Mỹ đang có chiều hướng xấu đi.

Theo tờ Thời báo Kinh tế Anh ngày 6/9, việc hợp tác này là một biểu hiện cho thấy Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong bối cảnh quan hệ của các nước này với Mỹ đang có chiều hướng xấu đi.

Nếu như cuộc đàm phán thành công, đây sẽ là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác trên lĩnh vực dầu khí giữa hai quốc gia khi các nước phương Tây đang gia tăng chỉ trích Nga và áp dụng lệnh trừng phạt đối với các công ty và doanh nghiệp lớn của Nga, trong đó có Rosneft. Với sự hợp tác này, Rosneft chứng minh cho phương Tây thấy bất chấp căng thẳng với Mỹ, Nga vẫn có những người bạn của mình.

Tờ Thời báo Tài chính cho biết Nga hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh kinh tế tại Vladivostok. Moskva hiện đang muốn đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các nước châu Á.

Rosneft và CEFC đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược hồi tháng 7/2017 nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác trên lĩnh vực thăm dò, khai thác, sản xuất và buôn bán trong lĩnh vực năng lượng. Tuần này, hai bên đã ký một thỏa thuận chi tiết về các dự án thăm dò dầu khí chung tại vùng Siberia của Nga, và một hợp đồng khác nhằm tăng cung cấp dầu thô cho Trung Quốc.

Tổng Giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin cho biết Rosneft ưu tiên thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương nói chung và nhất là với Trung Quốc.

Cách đây 2 tháng, Rosneft đã bán phần đầu tư của họ tại một mỏ dầu cho một tập đoàn khác của Trung Quốc, trong khi nhà cung cấp dầu khí quốc gia độc quyền Gazprom của Nga đang tiến hành xây dựng đường ống dẫn khí dài 4000 km đến Trung Quốc để đẩy mạnh quan hệ hợp tác về năng lượng giữa hai bên.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài chính - kinh tế quốc tế, thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, Chu Giang cho biết Bắc Kinh và Moskva sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các chiến lược kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, “hai nước sẽ thúc đẩy các cải cách toàn cầu, chống lại chủ nghĩa bảo hộ (thương mại)”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục