Hai trường hợp sản phụ tử vong nghi do dùng thuốc gây tê

15:44' - 20/11/2019
BNEWS Bác sỹ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho hay, đến trưa 20/11, tại Đà Nẵng đã ghi nhận 2 ca tử vong và 1 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch nghi do sử dụng thuốc gây tê.

Theo thông tin của Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng cho hay, ngày 17/11, bệnh viện đã thực hiện ca phẫu thuật cho chị Võ Thị Nhất Sinh (sinh năm 1986, trú tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), mang thai 38 tuần 3 ngày để sinh mổ trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối.

Bệnh nhân được phẫu thuật lúc 11 giờ 20 phút cùng ngày. Sau gây tê tủy sống, sản phụ có biểu hiện khó chịu vùng mông, bứt rứt, chuyển mê nội khí quản.

Bác sỹ gây mê xử lý thuốc theo phác đồ ngộ độc thuốc tê: Lipofundin 20% 100ml x 3 chai, truyền tĩnh mạch và mời bác sỹ gây mê Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cùng tham gia xử trí. Đến cuối buổi mổ, lúc chuẩn bị rút ống nội khí quản, bệnh nhân có biểu hiện duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Đến 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân đã tử vong.

Tương tự trường hợp chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1986, trú tại Liên Chiểu, Đà Nẵng), mang thai 37 tuần 1 ngày, được đưa vào phòng mổ lúc 15 giờ ngày 17/11, sau khi gây tê tủy sống, bệnh nhân có biểu hiện tê, đau vùng hông phải, đau vùng cùng cụt, bệnh nhân khó chịu, bác sỹ Khoa Gây mê xử trí thuốc theo phác đồ ngộ độc thuốc tê: Lipofundin 20% 100ml x 3 chai, truyền tĩnh mạch, đồng thời hội ý với kỹ thuật viên và bác sỹ trực. Thấy triệu chứng bệnh nhân Huyền giống với bệnh nhân Nhất Sinh vừa chuyển viện, các bác sỹ đã hội chẩn chuyển viện Đà Nẵng, hiện bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Hiện nay, hai trẻ sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh. Bác sỹ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng thông tin, bệnh viện đang huy động tối đa nhân lực, kỹ thuật để điều trị cho sản phụ Huyền. Bệnh tình của sản phụ tiến triển nhưng vẫn nằm trong ngưỡng có nguy cơ rất cao.

Trước đó, ngày 22/10, tại Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, sản phụ Lê Huỳnh Phương Triều (sinh năm 1987, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) phẫu thuật lấy thai nhi, sau khi gây tê tủy sống cũng có biểu hiện như hai trường hợp trên và đã tử vong.

Bác sỹ Võ Xuân Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho hay, bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình trong quá trình mổ, việc gây tê được giao cho bác sỹ có kinh nghiệm. Trước tình hình trên, bệnh viện đã kịp thời niêm phong toàn bộ thuốc gây tê và gây mê tại bệnh viện, chờ quyết định từ Sở Y tế. Trường hợp cần phải mổ gấp sẽ sử dụng thuốc gây mê, không sử dụng thuốc gây tê.

Về nguồn gốc của thuốc gây tê, đại diện Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cho biết, từ tháng 1 đến tháng 7/2019, thực hiện quyết định trúng thầu 372 Sở Y tế Đà Nẵng ngày 27/4/2018, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng đã nhập loại thuốc Marcain spinal Heavy 0,5% 4ml sản xuất tại Pháp với số lượng 575 ống, đến tháng 5/2019, nhà cung cấp thông báo hết hàng cung ứng.

Để có đủ thuốc sử dụng, bệnh viện đã tìm nguồn hàng thay thế là Bupivacain WPW spinal 0,5 Heavy của Ba Lan sản xuất do nhà cung cấp là Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI - CN Đà Nẵng cung ứng. Bệnh viện đã nhập 380 ống từ tháng 5-10/2019 và đã sử dụng hết 260 ống. Riêng thuốc Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy số lô 01DB0619 nhập 250 ống dùng hết 130 ống còn lại 120 ống.

Ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã lập đoàn kiểm tra giám sát liên quan đến sự cố này. Qua kiểm tra, việc tiếp nhận, khám và mổ cho sản phụ của Bệnh viện Phụ nữ đều đúng quy trình, quy định của ngành Y tế. Tuy nhiên, do nghi vấn đối với loại thuốc gây tê, Sở đã chỉ đạo niêm phong, lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Sở yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tạm ngừng sử dụng loại thuốc gây tê này.

Hiện, ba cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng sử dụng loại thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy là Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ Nữ và Bệnh viện quận Liên Chiểu từ tháng 5/2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục