Vụ sản phụ bị “bỏ rơi” giữa đường: Cần xác định chính xác nguyên nhân cháu bé tử vong

18:32' - 21/08/2019
BNEWS Liên quan vụ sản phụ bị “bỏ rơi” giữa đường, theo ý kiến luật sư, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ, xác định chính xác nguyên nhân tử vong của cháu bé để xử lý theo các quy định pháp luật.
Đại diện chính quyền địa phương thẳm hỏi động viên gia đình sản phụ Yến. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Ngày 21/8, bác sĩ Phạm Văn Luận, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết, sản phụ Vy Thị Yến (người bị “bỏ rơi” và sinh con bên vệ đường, thai nhi tử vong), đã có thể ăn uống, đi lại bình thường.

Xét thấy sức khỏe và tinh thần đã ổn định, không còn hoảng loạn như khi mới nhập viện, nên Bệnh viện đã cấp thuốc để chị Yến về nhà tiếp tục điều trị và dưỡng sức.

Theo bác sỹ Luận, qua theo dõi và điều trị tại bệnh viện cho thấy: Khi mang thai, tình trạng sức khỏe của sản phụ Yến không được tốt, có thể do không đảm bảo chế độ dinh dưỡng, lao động vất vả nên thai nhi bị ảnh hưởng, dẫn đến sinh non.

Liên quan vụ việc này, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc cháu bé bị chết là hết sức thương tâm, các cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ, xác định chính xác nguyên nhân tử vong của cháu bé để xử lý theo các quy định pháp luật.

Theo Luật sư, cái chết của cháu bé có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Để kết luận một người có vi phạm pháp luật hình sự hay không thì phải thực hiện theo các quy định, trình tự của pháp luật, không thể dựa vào cảm tính.

Luật sư Đỗ Anh Thắng, Giám đốc Công ty Luật Asem Việt Nam dẫn Điều 132, Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tội: “Không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Trong đó nêu rõ: 1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nêu quan điểm về việc này, Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định, việc bỏ lại sản phụ sắp sinh với người không có kỹ năng và khả năng hỗ trợ sinh con là việc làm đáng lên án. Bất cứ ai khi gặp hoàn cảnh này đều phải hỗ trợ sản phụ để có thể đến cơ sở y tế hoặc tìm được người hỗ trợ sinh nhanh nhất có thể.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước đã đến thăm, động viên gia đình sản phụ và hiện đang cùng chính quyền địa phương để tiếp tục hỗ trợ gia đình sản phụ./.

>>> Báo cáo nhanh về vụ mẹ con sản phụ tử vong tại Thanh Hóa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục