Hạn chế nhập cảnh lại thổi bùng căng thẳng Nhật – Hàn

06:00' - 11/03/2020
BNEWS Đất nước “Mặt Trời mọc” (vốn được coi là địa điểm thu hút khách du lịch Hàn Quốc) đã bất ngờ đơn phương áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh mà không có sự tham vấn trước với chính phủ quốc gia láng giềng.
Khu vực sảnh chính của sân bay quốc tế Kansai. Ảnh: TTXVN

Theo bình luận của tờ nhật báo Hankyored (Hàn Quốc), việc Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định áp đặt lệnh cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Hàn Quốc (thực chất là công dân Hàn Quốc) nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 có tác động ảnh hưởng không chỉ đến mối quan hệ song phương vốn đang rất “bấp bênh” mà còn cả với xã hội Hàn Quốc cũng như nền kinh tế của "xứ sở Kim chi". 

Quyết định đột ngột của Chính phủ Nhật Bản áp dụng biện pháp triệt để hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Hàn Quốc vào ngày 5/3 vừa qua trong khi lại không có nhiều biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở trong nước dường như là dựa trên các tính toán chính trị.

Theo đó, Tokyo thấy cần phải đối phó với sự chỉ trích, cả trong nước và quốc tế, về phản ứng mờ nhạt của nước này trước sự bùng phát mạnh mẽ của dịch COVID-19, bao gồm cả việc không tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với những người nghi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Nhật Bản đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng đến thăm thành phố Daegu và quận Cheongdo kể từ ngày 27/2 vừa qua và chỉ một tuần sau đó đã quyết định tăng cường bằng cách mở rộng các hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ bất kỳ đâu trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Dường như Chính phủ Nhật Bản đã không dành đủ thời gian để tham vấn với phía Hàn Quốc trước khi đưa ra một quyết định quan trọng có thể tác động ảnh hưởng trực tiếp tới quốc gia láng giềng.

Khi những thông tin liên quan đến lệnh hạn chế này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản vào khoảng 15 giờ (giờ địa phương) ngày 5/3 vừa qua, các quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã nhanh chóng xác minh độ chính xác của thông tin. Một quan chức của Bộ này nói “Chúng tôi không hề nhận được bất cứ thông báo nào liên quan đến vấn đề này từ Chính phủ Nhật Bản”.

Kể từ khi Nhật Bản trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của người dân Hàn Quốc, biện pháp bất ngờ này của Tokyo đã khiến người dân "Xứ sở Kim chi" bị tổn thương. Năm 2019 đã có 5.584.600 lượt khách du lịch Hàn Quốc tới thăm đất nước Mặt Trời mọc, một con số đáng kể mặc dù vẫn giảm 26% so với năm 2018 do sự tẩy chay của người dân Hàn Quốc trước những bất đồng giữa hai nước liên quan đến vấn đề thương mại.

Hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, người Hàn Quốc sang Nhật Bản không chỉ du lịch mà còn để học tập, kinh doanh và thăm hỏi bạn bè. Điều này có nghĩa biện pháp “mạnh tay” nói trên của Tokyo sẽ gây ra cuộc khủng hoảng lớn. Trước mắt là hơn 170.000 sinh viên Hàn Quốc đang học tập ở Nhật Bản gặp khó khăn trong việc nhập cảnh khi năm học mới sẽ khai giảng vào đầu tháng Tư tới.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc, việc Nhật Bản bất ngờ tham gia nhóm này càng khiến tình hình của Hàn Quốc trở nên tồi tệ hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt lệnh hạn chế trên đều do thiếu năng lực đối phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc Nhật Bản, vốn được biết đến là một quốc gia có trình độ y học phát triển và khả năng kiểm soát bệnh dịch cao, áp đặt lệnh cách ly tập trung hai tuần tại cơ sở y tế được chỉ định có thể khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa tham gia nhóm trên phải cân nhắc. Điều lo ngại đầu tiên của Seoul chính là phản ứng của Mỹ, nhất là khi Washington đã đề cập đến khả năng sẽ áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Hàn Quốc.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã nỗ lực vận động các quốc gia và vùng lãnh thổ cân nhắc khi áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh. Cá nhân Ngoại trưởng Hàn Quốc, bà Kang Kyung-hwa, đã có nhiều cuộc điện đàm với người đồng cấp các nước để thảo luận về vấn đề trên. 

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với cơ quan đại diện ngoại giao các nước ở thủ đô Seoul cũng như triệu đại sứ một số nước để trao công hàm về vấn đề này. Bất chấp những nỗ lực trên của Seoul, đầu tiên là Australia và tiếp đến là Nhật Bản đã công bố sẽ áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh vào ngày 6/3 vừa qua - động thái làm dấy lên những chỉ trích trong nước về khả năng ngoại giao của chính phủ Hàn Quốc.

Có thể nói quyết định trên của Tokyo đã tạo ra một trở ngại lớn cho mối quan hệ song phương Hàn - Nhật vốn đã tồn tại nhiều bất đồng liên quan đến vấn đề phụ nữ mua vui trong chiến tranh cũng như vấn đề kiểm soát xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc. Chính vào thời điểm người dân Hàn Quốc đang không mấy hài lòng về Nhật Bản, việc Tokyo quyết định áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 lại càng làm bùng lên tâm lý “bài Nhật” trong xã hội Hàn Quốc.

Một vấn đề khác là liệu Chính phủ Hàn Quốc có siết chặt lệnh hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Nhật Bản hay không? Bất chấp những lời chỉ trích ở cả trong và ngoài nước rằng Nhật Bản không tiến hành đầy đủ các xét nghiệm bất chấp sự gia tăng nhanh về số người nhiễm COVID-19 ở nước này, Chính phủ Hàn Quốc chưa thực sự hạn chế công dân đến Nhật Bản, ngoài khuyến cáo người dân không nên đến Fukushima (nơi xảy ra vụ rò rỉ hạt nhân).

Động thái duy nhất mà Seoul đưa ra là ban hành khuyến cáo mức độ 1 (thận trọng) đối với công dân khi đến Nhật Bản vào ngày 29/2 vừa qua khi dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát. Tuy nhiên, ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản ngày 5/3 bất ngờ thông báo bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày đối với những người đến từ Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in ngay lập tức đáp trả khi đưa ra tuyên bố sẽ đình chỉ miễn thị thực cho công dân Nhật Bản và áp đặt lệnh bắt buộc cách ly hai tuần đối với khách du lịch đến từ Nhật Bản kể từ ngày 9/3 tới. 

Phát biểu tại buổi họp báo ở thủ đô Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei-young nêu rõ: "Từ ngày 9/3 tới, cơ chế miễn trừ thị thực cho công dân Nhật Bản và hiệu lực của các thị thực hiện hành sẽ bị đình chỉ". Các biện pháp đáp trả của Seoul cũng bao gồm việc nâng mức khuyến cáo đến Nhật Bản và áp đặt các thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho những người nước ngoài đến từ Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục