Hàn Quốc cảnh giác cao trước việc chảy máu chất xám

05:00' - 25/07/2020
BNEWS Theo Korea Times, các công ty Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng trong việc tuyển dụng lao động Hàn Quốc trong các ngành công nghiệp chủ chốt như điện tử và đóng tàu.

Theo các nguồn tin trong ngành công nghiệp màn hình, trong 3-4 năm qua, có rất nhiều công ty Trung Quốc cố gắng tìm kiếm tài năng người Hàn Quốc bằng cách đưa ra mức lương cao gấp 5 lần cùng với các lợi ích hấp dẫn khác. 

Các công ty Trung Quốc cũng có chế độ ưu đãi lớn dành cho các kỹ sư hoặc nhân viên có khả năng tiếp cận những thông tin kỹ thuật quan trọng. 

Hiện tượng các công ty Trung Quốc tuyển dụng nhân viên lành nghề theo kiểu này đang gây chảy máu chất xám không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Đức và Mỹ.

Từ năm 2008, các công ty Trung Quốc đã liên tục tuyển dụng các tài năng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao ở các quốc gia khác với mục tiêu thuê 1.000 công nhân lành nghề mỗi năm. Trong ngành bán dẫn và sản xuất màn hình, các công ty Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các nhân sự chủ chốt người Hàn Quốc trong các tập đoàn hoặc các chi nhánh liên quan. 

Trong 5 năm qua, đã có hơn 580 trường hợp rò rỉ công nghệ, và 71 trong số đó bị các công ty nước ngoài lôi kéo. Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, cơ quan đã theo dõi tình trạng rò rỉ công nghệ từ năm 2013 đến năm 2018, trong số 71 trường hợp này, 48 trường hợp (68%) có liên quan đến các công ty Trung Quốc. 

Các sản phẩm sử dụng các công nghệ bị rò rỉ này thường được ra mắt trên thị trường sau đó 2-5 năm, như đã thấy trong lĩnh vực màn hình, ngành đã chứng kiến rất nhiều vụ đánh cắp dữ liệu quan trọng. 

Theo Viện nghiên cứu công nghệ thông tin Hàn Quốc, thị phần màn hình OLED của Trung Quốc chỉ chiếm 7% trong năm 2017, song được dự đoán sẽ vượt 20% trong năm nay.

Trước đây, các công ty Trung Quốc tập trung vào việc có được các công nghệ và nhân sự chủ chốt, song sau khi gặp khó khăn bởi các vụ kiện tụng, họ đã thay đổi chiến lược để có được các công nghệ liên quan thông qua hoạt động mua bán-sáp nhập hoặc tấn công mạng. Việc đảm bảo an ninh nội bộ là quan trọng nhất đối với các nhà sản xuất chất bán dẫn và màn hình.

Một quan chức trong ngành cho biết: "Sau khi thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới và sau nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, hoạt động mua bán-sáp nhập đã trở nên hấp dẫn, đặc biệt là trong ngành công nghiệp vật liệu và thiết bị". Đã có những lời kêu gọi Chính phủ và các công ty tăng cường an ninh khi bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp thứ tư.

Theo một quan chức Viện nghiên cứu công nghệ thông tin Hàn Quốc, tình báo và mua bán-sáp nhập đã được sử dụng như một phương tiện để nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành. Đã có những vụ đánh cắp công nghệ bằng cách tấn công mạng, và cách thức đánh cắp ngày càng phát triển, gây thiệt hại tài chính đáng kể./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục