Hàn Quốc có thể kéo Triều Tiên trở lại đối thoại?

06:30' - 12/08/2017
BNEWS Niềm tin mạnh mẽ của Tổng thống Moon Jae-in trong việc cải thiện quan hệ liên Triều được thể hiện qua việc ông bổ nhiệm một loạt quan chức có thiên hướng ủng hộ đàm phán.
LHQ gây sức ép lên Triều Tiên về vấn đề tên lửa hạt nhân của nước này. Ảnh minh họa: EPA

Trong một bài phỏng vấn với tờ Asahu Shimbun được đăng tải ngày 11/8, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc về thống nhất quốc gia và chính sách đối ngoại Moon Jung-in cho rằng Mỹ và Triều Tiên cần chấm dứt khiêu khích lẫn nhau, thay vào đó cần nỗ lực thiết lập một cuộc đối thoại mới.

Cố vấn Moon chỉ ra rằng Triều Tiên đe dọa không tham gia cuộc đối thoại này cho đến khi Mỹ chấm dứt chính sách "thù địch" chống Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực xây dựng một cuộc đối thoại cần phải có sự tham gia của Mỹ.

"Diễn đàn Đông Á" có bài viết cho rằng các nhà quan sát lo ngại về sự rạn nứt giữa tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người ủng hộ đàm phán với CHDCND Triều Tiên, và Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.

Kể từ khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 5/2017, Triều Tiên đã nhiều lần khiêu khích, tiến hành thử ICBM tầm trung và tầm xa, đồng thời điều 1 máy bay do thám không người lái xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc để chụp ảnh THAAD. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn nhấn mạnh sẽ “đa dạng hóa và thúc đẩy sự tiến bộ” của các lực lượng hạt nhân.

Trước những động thái của Bình Nhưỡng, ông Moon Jae-in đã “phản ứng khá khó khăn”, khiến một số nhà quan sát thừa nhận rằng ông “thiên về chủ nghĩa lý tưởng hơn là chủ nghĩa hiện thực” và sẽ tập trung vào các vấn đề nội địa hơn là can dự với Triều Tiên.

Tuy nhiên, niềm tin mạnh mẽ của ông Moon Jae-in trong việc cải thiện quan hệ liên Triều được thể hiện qua việc ông bổ nhiệm một loạt quan chức có thiên hướng ủng hộ đàm phán, những người có nhiều kinh nghiệm làm việc trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Ví dụ, ông Moon Jae-in đã bổ nhiệm ông Suh Hoon làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia. Ông Suh Hoon là người đã giúp sắp xếp tổ chức 2 hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào các năm 2000 và 2007 và cũng là người đã có 2 năm sinh sống trên đất Triều Tiên, làm việc cho Tổ chức Phát triển Năng lượng Bán đảo Triều Tiên.

Ông Cho Myoung-gyon được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thống nhất vì ông này đã dành cả sự nghiệp của mình cho công cuộc thống nhất hai miền Triều Tiên.

Về cố vấn an ninh quốc gia, ông Moon Jae-in đã chọn ông Lee Sang-chul, một cựu tướng từng tham gia các cuộc đối thoại quân sự liên Triều và đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Giáo sư Moon Chung-in, người ủng hộ “các cuộc đàm phán” với Triều Tiên, được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt về thống nhất liên Triều.

Hàn Quốc có thể kéo Triều Tiên trở lại đối thoại? Ảnh: Reuters

Ông Moon Chung-in có cùng quan điểm với chính quyền hiện tại là ưu tiên giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán. Chức Bộ trưởng Quốc phòng được trao cho ông Song Young-moo, vốn là Đô đốc Hải quân dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun và là người có khả năng theo đuổi cải cách cấu trúc chỉ huy trong quân đội.

Trong khi đó, ông Seo Joo-seok, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng, đề nghị tăng quyền tự chủ cho quân sự và hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc về Triều Tiên. Bà Kang Kyung-hwa, nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Hàn Quốc, là một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) và trước đây từng là phiên dịch cho “Chính sách Ánh Dương” của Tổng thống Kim Dae-jung.

Điều đáng chú ý là ông Chung Eui-yong, một cố vấn an ninh chủ chốt, từng là Đại sứ LHQ chứ không phải là một chuyên gia về quốc phòng.

Những bổ nhiệm của ông Moon Jae-in cho thấy chính quyền của ông đặt ưu tiên thúc đẩy đàm phán và làm việc với LHQ về Triều Tiên hơn là áp đặt các biện pháp trừng phạt và giải pháp quân sự.

Chính quyền của ông Moon Jae-in rõ ràng đã không quy tụ một đội ngũ quân đội để ngăn chặn Triều Tiên. Một bài học từ Chính quyền của ông Roh Moo-hyun là hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007 đã diễn ra quá muộn trong nhiệm kỳ của ông này, khiến các thỏa thuận không thể được thực hiện.

Do đó, ngay sau khi lên nắm quyền, Chính quyền của ông Moon Jae-in đã tích cực sớm tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Trung tuần tháng 7 vừa qua, Seoul đã đề nghị mở các cuộc đàm phán quân sự, nhưng tiếc là Triều Tiên đã phớt lờ lời đề nghị của ông Moon Jae-in.

Thế nhưng, cho dù Bình Nhưỡng có đồng ý đàm phán đi chăng nữa thì vấn đề Triều Tiên vẫn có khả năng gây chia rẽ quan hệ đồng minh giữa Washington và Seoul vì chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân.

Giới chỉ trích cho rằng việc tái lập quan hệ liên Triều là một sự theo đuổi chính đáng, nhưng chính quyền của ông Moon Jae-in không được phép "hy sinh" các nghị quyết của LHQ và sự phối hợp của liên minh Mỹ-Hàn trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục