Hàn Quốc lập đối sách vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm

17:52' - 29/04/2019
BNEWS Hàn Quốc sẽ triển khai một loạt đối sách để vực dậy nền kinh tế khi GDP quý I/2019 tăng trưởng âm 0,3%.

Tại hội nghị đối sách thúc đẩy kinh tế ngày 29/4, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki thừa nhận tình hình kinh tế Hàn Quốc đang ở giai đoạn khó khăn nghiêm trọng.

Trên cương vị là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, ông Hong cảm thấy "hổ thẹn" trước việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong quý I tăng trưởng âm 0,3%.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong tháng 5 và tháng 6, chính phủ sẽ lập đối sách thúc đẩy đầu tư tư nhân theo từng ngành nghề, hỗ trợ tối đa để không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể duy trì đầu tư.

Sau chiến lược thúc đẩy ngành du lịch, chính phủ sẽ lập tiếp phương án phát triển dịch vụ du lịch giải trí trên biển, đẩy mạnh du lịch leo núi.

Trong nửa đầu năm nay, Chính phủ Hàn Quốc sẽ lên chiến lược đổi mới ngành dịch vụ, với đối sách theo từng mảng, đổi mới toàn ngành dịch vụ.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực để Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua dự thảo ngân sách bổ sung vừa được trình lên vào tuần trước, giải ngân sớm ngân sách bổ sung.

Liên quan tới việc Tập đoàn Samsung gần đây công bố kế hoạch đầu tư 133.000 tỷ won (114,8 tỷ USD) vào lĩnh vực chíp bán dẫn, tuyển dụng 15.000 nhân viên, Phó Thủ tướng Hong Nam-ki cho biết chính phủ cũng đang lập đối sách hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực và phát triển công nghệ trọng tâm để nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp chíp bán dẫn.

Về việc Mỹ ngừng miễn trừ cấm vận mua dầu mỏ của Iran đối với 8 nước, Phó Thủ tướng Hàn Quốc khẳng định chính phủ nước này sẽ nỗ lực để ổn định giá dầu trong nước, như mở rộng mạng lưới các trạm bán xăng giá rẻ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, đối phó với khả năng giá dầu quốc tế tăng trong ngắn hạn.

Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ nguồn cung dầu thô cho các công ty hoá dầu trong nước, như đa dạng hoá nguồn nhập khẩu, tìm kiếm phương án sử dụng nhiên liệu thay thế; đồng thời có kế hoạch hỗ trợ thanh khoản và tìm kiếm thị trường thay thế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị chịu thiệt hại do khó tìm được thị trường thay thế trong trường hợp dừng hoàn toàn xuất khẩu sang Iran./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục