Hàn Quốc sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trước bão thuế quan của Mỹ

16:23' - 19/02/2025
BNEWS Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ của nước này ứng phó với thuế quan của Mỹ bằng cách tài trợ cho các biện pháp đối phó của họ.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ của nước này ứng phó với thuế quan của Mỹ bằng cách tài trợ cho các biện pháp đối phó của họ, chẳng hạn như tư vấn với các công ty luật Mỹ và đa dạng hóa các nhà cung cấp hàng hóa trung gian.

Ngày 18/2, Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu, đã công bố các biện pháp này sau khi quyền Tổng thống Choi Sang Mok chủ trì một cuộc họp toàn chính phủ để thảo luận về các biện pháp đối phó với môi trường thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh, chủ yếu là do kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 
Đây là lần đầu tiên sau 20 tháng, Chính phủ Hàn Quốc tổ chức cuộc họp về chiến lược xuất khẩu. Cuộc họp diễn ra sau khi Mỹ công bố mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu và kế hoạch áp dụng mức thuế đối ứng đối với các đối tác thương mại.

Một khoản tiền kỷ lục 366.000 tỷ won (254 tỷ USD) sẽ được bơm vào tài trợ thương mại, để các nhà xuất khẩu có thể tránh được cuộc khủng hoảng thanh khoản bằng cách vay từ các ngân hàng thương mại. Thêm 100.000 tỷ won cũng sẽ được sử dụng trong bảo hiểm thương mại cho các nhà xuất khẩu nhỏ hơn. Các công ty hy vọng sẽ đưa hoạt động trở lại Hàn Quốc sẽ được hưởng các lợi ích về thuế doanh nghiệp và trợ cấp bổ sung, ngay cả trước khi họ hoàn tất việc thu hẹp quy mô hoạt động ở nước ngoài.

Quyền Tổng thống Choi cho biết: "Xuất khẩu là trụ cột của nền kinh tế đang gặp khó khăn của Hàn Quốc vào năm ngoái, khi lượng xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục là 683,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước đó và là mức tăng lớn thứ 6 trên thế giới. Tuy nhiên, một loạt thông báo về chính sách mới của chính phủ Mỹ đã khiến môi trường xuất khẩu của chúng ta trở nên bất ổn hơn bao giờ hết”.

Bên cạnh các hỗ trợ tài chính bao gồm 366.000 tỷ won tài trợ thương mại, Chính phủ Hàn Quốc đã chọn các nước đang phát triển, hay còn gọi là Nam Bán cầu, làm điểm đến thay thế cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc để ứng phó với căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang do thuế quan của Mỹ và tình trạng cung vượt cầu các sản phẩm của Trung Quốc. Chính phủ đã hứa sẽ hỗ trợ các công ty thâm nhập vào các thị trường đó thông qua các văn phòng sắp tới của Cơ quan Xúc tiến Thương mại-Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) tại đó.

Quyền Tổng thống Choi cho biết tiếp: "Chính phủ sẽ tạm thời cung cấp các chương trình bảo hiểm đặc biệt cho các công ty vào các khu vực có nhu cầu cao về các dự án tái thiết, chẳng hạn như Ukraine và Trung Đông".

Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết sẽ tìm kiếm các mặt hàng mới để xuất khẩu. Để hỗ trợ xuất khẩu các dịch vụ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và nội dung Hàn Quốc, chính phủ có kế hoạch bơm 14 tỷ won. Với việc triển khai chương trình cho vay K-beauty trị giá 20 tỷ won trong tháng này, chính phủ cũng cam kết hỗ trợ các công ty triển vọng thâm nhập thị trường mỹ phẩm và bán sản phẩm của họ tại các cửa hàng miễn thuế.

Các trung tâm logistics chung và kho lạnh cũng sẽ được thành lập trên toàn cầu để hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm phổ biến sang Trung Đông và Mỹ Latinh như dâu tây, nho, rong biển, hàu và gạo chế biến.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết thêm rằng họ sẽ chuẩn bị cho các rào cản phi thuế quan, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch.

Trong nỗ lực giảm thiểu tác động của các chương trình thương mại của Mỹ, chính phủ đã cử Thứ trưởng Bộ Thương mại Park Jong Won đến Washington. Giao cho KOTRA nhiệm vụ chia sẻ thông tin chi tiết về thuế quan của ông Trump bất cứ khi nào Washington công bố các biện pháp mới, chính phủ có kế hoạch cử thêm các đoàn doanh nghiệp đến thủ đô Mỹ, sau một đoàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc dẫn đầu, sẽ gặp các quan chức Nhà Trắng vào cuối tuần này.

Theo thông tin từ chính phủ, KOTRA sẽ tổ chức một diễn đàn và KITA sẽ cử một phái đoàn doanh nghiệp vào tháng Năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục