Hàn Quốc trong cuộc đua tìm khoáng sản quý

14:23' - 09/05/2022
BNEWS Vonfram xanh lấp lánh trên bức tường của các hầm mỏ bỏ hoang tại Sangdong có thể là chất xúc tác cho nỗ lực của Hàn Quốc trong phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc với các khoáng sản quan trọng.
Mỏ ở Sangdong, cách Seoul 180 km về phía Đông Nam, đang được hồi sinh để chiết xuất kim loại quý hiếm vonfram, vốn tìm thấy giá trị mới trong thời đại bùng nổ công nghệ kỹ thuật số từ điện thoại, chip đến xe điện và tên lửa.

Sangdong là một trong khoảng 30 mỏ khoáng sản, nhà máy chế biến quan trọng trên toàn cầu đã được đưa vào hoạt động hoặc mở cửa trở lại bên ngoài Trung Quốc trong 4 năm qua. Ngoài Sangdong, còn có các dự án phát triển lithium ở Australia, đất hiếm tại Mỹ và vonfram ở Anh.

Quy mô của các dự án cho thấy sức ép mà các quốc gia trên thế giới phải chịu trong việc đảm bảo nguồn cung các khoáng chất quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, với lithium trong pin xe điện (EV), ma-giê trong máy tính xách tay và neodymium trong các tuabin gió.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) năm ngoái cho biết nhu cầu tổng thể đối với các loại khoáng sản quý hiếm dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2040. Đối với những khoáng sản sử dụng trong xe điện và pin lưu trữ, nhu cầu dự kiến sẽ tăng gấp 30 lần.

Nhiều quốc gia coi khoáng sản là vấn đề an ninh quốc gia khi Trung Quốc kiểm soát việc khai thác, chế biến hoặc tinh chế nhiều loại tài nguyên này.

Theo một nghiên cứu của cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc năm 2019, cường quốc châu Á là nhà cung cấp khoáng sản lớn nhất cho Mỹ và châu Âu. Trung Quốc là nguồn cung cấp 21 khoáng sản quan trọng cho Liên minh châu Âu, như antimon được sử dụng trong pin.

Là quê hương của các nhà sản xuất chip lớn như Samsung Electronics, Hàn Quốc là nước tiêu thụ vonfram bình quân đầu người lớn nhất thế giới và phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu 95% kim loại này. Theo đơn vị phân tích hàng hóa CRU Group, có trụ sở tại London, Trung Quốc kiểm soát hơn 80% nguồn cung vonfram toàn cầu.

Sangdong có một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới và có thể cung cấp 10% nguồn cung toàn cầu khi đi vào hoạt động năm tới. Lewis Black, Giám đốc điều hành Almonty Korea Tungsten Corp., sở hữu mỏ tại Sangdong, cho biết doanh nghiệp này có kế hoạch cung cấp khoảng một nửa sản lượng chế biến cho thị trường Hàn Quốc như một sự thay thế cho nguồn cung từ Trung Quốc.

Vonfram được phát hiện tại Sangdong vào năm 1916, từng là trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc, khi đóng góp 70% nguồn thu xuất khẩu của Hàn Quốc trong những năm 1960. Tuy nhiên, mỏ này đã bị đóng cửa vào năm 1994 do nguồn cung cấp khoáng sản từ Trung Quốc rẻ hơn. Tuy nhiên, hiện nay Almonty đang đặt cược rằng nhu cầu và giá kim loại này sẽ tiếp tục tăng trước các cuộc cách mạng kỹ thuật số và chuyển đổi xanh.

Theo cơ quan định giá Asian Metal, tại châu Âu giá của paratungstate tối thiểu 88,5% - nguyên liệu quan trọng trong các sản phẩm vonfram - đang giao dịch quanh mức 346 USD/ tấn, tăng hơn 25% so với một năm trước và gần với mức cao nhất trong 5 năm.

Mỏ Sangdong đang được hiện đại hóa, với những đường hầm rộng lớn được đào dưới lòng đất. Kang Dong-hoon, một quản lý ở Sangdong, cho rằng cần tiếp tục vận hành loại mỏ này để các công nghệ mới có thể được chuyển giao cho thế hệ tiếp theo.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo thành công lâu dài cho tập đoàn khai thác đang đầu tư khoảng 100 triệu USD vào dự án Sangdong. Các doanh nghiệp có thể vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với Trung Quốc và một số chuyên gia trong ngành lo ngại rằng các nước phát triển sẽ không tuân thủ các cam kết đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với các loại khoáng sản quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục