Hàn Quốc xử phạt người không đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm

17:09' - 31/08/2020
BNEWS Lần đầu tiên tại Hàn Quốc có hành khách đi tàu điện ngầm bị phạt vì không đeo khẩu trang, vi phạm quy định phòng dịch COVID-19 của chính phủ.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, một người dân vừa tố giác hành khách đi trên tàu điện ngầm tuyến số 7 ở thủ đô Seoul không đeo khẩu trang phòng dịch. Hành khách này dù có mang theo khẩu trang nhưng lại liên tiếp từ chối yêu cầu đeo khẩu trang của nhân viên an ninh trên tàu.

Do đó, chính quyền thành phố Seoul đã lần đầu tiên phạt hành chính đối với hành khách không đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm. Thành phố đã gửi thông báo xử phạt 4 trường hợp hành khách bị phát giác không đeo khẩu trang từ cuối tháng 7 tới nay, với mức phạt 250.000 won (hơn 210 USD)/người.

Người vi phạm không đeo khẩu trang có hành vi chống đối, lớn tiếng với nhân viên an ninh trên tàu có thể bị xử phạt hình sự. Tuy nhiên, 4 trường hợp trên bị xử phạt hành chính do chỉ có hành vi chống đối yêu cầu đeo khẩu trang.

Từ tháng 5 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã quy định tất cả người dân phải đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã liên tiếp xuất hiện các vụ tố giác hành khách không đeo khẩu trang trên xe buýt, tàu điện ngầm. Riêng ở khu vực thủ đô Seoul, trong 4 tháng qua đã có tới gần 40.000 nghìn vụ tố giác liên quan.

Cũng liên quan đến dịch COVID-19, Hàn Quốc đã coi mắc COVID-19 khi làm việc ở nước ngoài như "tai nạn lao động".

Cơ quan Phúc lợi và Bồi thường Lao động Hàn Quốc (KCOMWEL) cho biết đã tiến hành thẩm định và công nhận một người lao động mắc COVID-19 khi làm việc tại Mỹ là "tai nạn lao động". Người này bị phát hiện mắc COVID-19 trong quá trình nhập cảnh Mỹ sau đó được điều trị tại bệnh viện của Mỹ.

Tính đến nay, Cơ quan Phúc lợi và Bồi thường Lao động Hàn Quốc đã công nhận tổng cộng 76 trường hợp lao động mắc COVID-19, như nhân viên y tế, nhân viên trung tâm chăm sóc khách hàng, như các trường hợp tai nạn khi lao động.

Các trường hợp mắc COVID-19 khi đang làm việc chỉ cần nộp giấy chẩn đoán, không cần xác nhận công ty, là có thể đề nghị cơ quan trên chi trả trợ cấp điều trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục