Hàn - Trung sẽ đàm phán mở rộng phạm vi của FTA sang lĩnh vực dịch vụ và đầu tư

14:54' - 02/07/2018
BNEWS Trong tháng 7 này Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ hai nhằm mở rộng phạm vi của Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương sang lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 2/7 thông báo trong tháng này Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ hai nhằm mở rộng phạm vi của Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương sang lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.

Theo bộ trên, hai nước đã tiến hành đàm phán vòng thứ nhất về mở rộng phạm vi FTA vào tháng 3 vừa qua và nhất trí thảo luận chi tiết tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trong tháng 7.

Trung Quốc và Hàn Quốc thực hiện FTA từ tháng 12/2015 và gần đây đã nhất trí tiến hành đàm phán để nâng cấp thỏa thuận thương mại này. Trung Quốc đang giảm tập trung vào ngành chế tạo để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ.

Ngành dịch vụ của Trung Quốc có giá trị 5.600 tỷ USD trong năm 2016, đưa nước này trở thành thị trường lớn thứ 2 thế giới.

Trao đổi dịch vụ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã tăng mạnh từ mốc 2,7 tỷ USD trong năm 1998 lên 36,7 tỷ USD trong năm 2016, gần gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng của trao đổi dịch vụ toàn cầu.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ đã hoàn tất các vấn đề pháp lý đối với FTA sửa đổi và đang phân tích tác động kinh tế đồng thời giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

FTA Hàn-Mỹ có hiệu lực từ năm 2012 và được coi là một biểu tượng quan hệ kinh tế sâu sắc giữa hai nước.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hiệp định này gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc và yêu cầu đàm phán lại, trong khi Seoul khẳng định Mỹ đạt thặng dư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Hàn Quốc.

Tháng 3 vừa qua, Seoul và Washington đã nhất trí trên nguyên tắc về việc sửa đổi FTA, theo đó tiến hành phân tích các chi tiết trước khi chính thức ký kết.

Theo quy định, Chính phủ Hàn Quốc phải phân tích tác động của các thỏa thuận thương mại đối với nền kinh tế cũng như tình trạng việc làm trước khi chính thức ký kết và phải được sự thông qua của Quốc hội để triển khai.

Phía Mỹ cũng phải phân tích tác động kinh tế và tham vấn trong 60 ngày với Quốc hội trước khi ký kết./.

Xem thêm:

>>>Cơ hội từ hiệp định EVFTA

>>>Việt Nam và EU kết thúc rà soát pháp lý EVFTA

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục