Hàng chục nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Kon Tum gửi kiến nghị

15:40' - 25/09/2021
BNEWS Trước khi có động thái giảm huy động công suất điện của điện mặt trời áp mái ở các tỉnh trong khu vực, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này.

Ngày 25/9, hàng chục doanh nhiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Kon Tum đã đồng loạt gửi đơn phản ánh đến Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Kon Tum và các đơn vị truyền thông.

Đồng thời gửi kèm đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và địa phương về bất cập khi Công ty Điện lực Kon Tum giảm công suất huy động điện. 

Trước đó, ngày 20/9, Công ty Điện lực Kon Tum có thông báo về việc dự kiến phương thức huy động công suất điện từ điện mặt trời mái nhà tại tỉnh đến hết năm. Theo đó, công suất huy động giảm đến 59,32% cho mỗi dự án. 

Ông Phạm Cao Huy, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Vạn Phát có nhà máy công suất hơn 996 kWp chia sẻ: "Công suất huy động giảm ngay khi vừa có thông báo và chưa có sự đồng thuận của các chủ dự án. Cùng cắt giảm huy động nhưng ở các tỉnh như Đắk Lắk, Khánh Hòa, Gia Lai… ngành điện đều có thư ngỏ, văn bản xin ý kiến gửi đến các chủ đầu tư trước khi triển khai."         

Theo khảo sát, việc cắt giảm công suất huy động đến gần 60% tại Kon Tum là con số cao hơn so với các tỉnh khác trong khu vực. Cụ thể tại Đắk Lắk con số này là 25%, Đắk Nông 37%, Gia Lai 50%...

Dịp Tết âm lịch, nhà máy ngày phát, ngày cắt. Nếu giảm huy động cao, ngành điện phải kéo dài thời gian mua bán điện trong hợp đồng để chia sẻ cùng nhà đầu tư. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH SoLar Kon Tum có công suất 700kWp kiến nghị.

Chúng tôi đồng ý chia sẻ những khó khăn về thừa nguồn cung với ngành điện nhưng các Bộ, ngành Trung ương cần có chính sách hỗ trợ kéo dài thời gian mua bán điện để bù đắp lại thời gian cắt giảm" - ông Phạm Cao Huy đề xuất.

Trước khi có động thái giảm huy động công suất điện của điện mặt trời áp mái ở các tỉnh trong khu vực, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này.

Theo đó, Tổng Công ty Điện lực miền Trung kiến nghị cho tiến hành tiết giảm sản lượng điện mặt trời áp mái nhằm giảm thiểu rủi ro, cân đối tài chính. 

Ông Đỗ Văn Giáp - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ trên diện rộng… Nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất phát lên hệ thống.

Đây là tình huống nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hệ thống điện quốc gia. Do đó, ngành điện phải thực hiện giảm huy động các nguồn năng lượng phát lên hệ thống; trong đó có điện mặt trời áp mái.

Công ty Điện lực Kon Tum đang thực hiện theo kế hoạch huy động nguồn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.

Việc giảm huy động công suất gần 60% đó là dự kiến vì quá trình vận hành sẽ có phương thức huy động cụ thể từng tuần; có thể nâng mức huy động từ điện mặt trời áp mái lên cao hơn.

Mong muốn của nhà đầu tư là ngành điện cần dung hòa, cơ cấu lại mức độ giảm để vừa bảo vệ an toàn lưới điện, giảm rủi ro tài chính cho đơn vị mua điện và nhà đầu tư điện mặt trời áp mái. Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 1.445 doanh nghiệp, cá nhân đầu tư điện mặt trời áp mái với tổng công suất khoảng 150 MW./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục